Chia sẽ kinh nghiệm xử trí khi bị Sốt xuất huyết


Hiện nay đang vào mùa mưa, là mùa muỗi sinh sôi nảy nở nhiều, dẫn đến tình trạng Sốt xuất huyết (SXH) cũng tăng cao.Chúng ta chỉ nghe nói là SXH rất kinh khủng, người bị nhiễm virút mệt, vật vã, khó chịu.... Nhưng chỉ đến khi bản thân bị hoặc người nhà bị ta mới thấy nó khủng khiếp đến thế nào.


Tôi vừa trải qua những ngày kinh khủng khi cả hai con của tôi bị SXH ở thể nặng vì vậy tôi muốn chia sẻ với mọi người vài kinh nghiệm thực tế không lý thuyết trong thời điểm này khi mà những mong đợi sự hỗ trợ của các bệnh viện và các phòng y tế phường xã là gần như không có.

1. Năm 2017 dịch SXH bùng phát sớm từ T5 so với mọi năm là T10 do yếu tố tự nhiên. Số lượng người nhiễm SXH tăng mạnh. Cái này đài báo có nói nhưng phải vào viện mới thấy người bị sốt nằm la liệt như thế nào. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các phòng y tế không kịp thời có biện pháp phun thuốc để phòng ngừa. Ngay cả khi 2 con của tôi nhập viện. BV báo về phường thì phường cũng lầy lữa  mãi...đến ngày con tôi ra viện, về nhà thì đến phun ở tận ngoài đường và báo cho gia đình tôi là đã phun thuốc muỗi. Đợi được vạ thì má đã sưng, mà phun ngoài đường thì chẳng biết nên vui hay nên mừng vì phun trong nhà không khéo con chưa khỏi SXH lại đi bệnh viện vì ngộ độc mà phun ngoài đường thì muỗi nó lại bảo nhau bay vào nhà, kiểu gì cũng chết. 


2. Khi bị nghi nhiễm SXH ( trong thời điểm có dịch) tốt nhất không đưa đến mấy viện lớn như Xanh Pôn, Bạch Mai hay Đại học y. Tôi không biết giỏi cỡ nào nhưng rõ ràng sự quá tải ở đây sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Cháu lớn nhà tôi khi xét nghiệm có SXH và tiểu cầu đã ở dưới mức cho phép thì bác sĩ vẫn trả về nhà với mấy chỉ định uống bù nước , thuốc hạ sốt và tự theo dõi tiếp. Mặc dù nhà tôi đã có lời nhờ và xin lưu lại bệnh viện nhưng không thể được vì lí do bệnh nhân quá đông( 3 bệnh nhân một giường) không có giường nằm. Tôi đưa cháu về Đại học y cũng tương tự và đến 5h sáng thì con tôi bị co giật, tôi phải đưa vào Vinmec cấp cứu và chịu viện phí rất cao (trường hợp 2 cô bạn của tôi cũng tương tự như vậy).

Vậy câu hỏi đặt ra là đưa vào viện nào đây khi mà các viện tuyến đầu như vậy?

Có hai cách: nếu bạn có bảo hiểm của các hãng như Bảo Việt, Menulife, Pruden...bạn cứ đưa thẳng vào Vinmec. Họ sẽ hỗ trợ 80% viện phí và phục vụ đẳng cấp 5 sao. Còn không bạn đưa tới các viện không quá Hot ví dụ như bệnh viện tuyến Quyện, Huyện để được chăm sóc và theo dõi bệnh tại bệnh viện một cách tận tình.



3. Đây là chia sẻ quan trọng nhất.

Nếu thấy người thân của bạn sốt cao. Có các hiện tượng xuất huyết thì hãy đưa đi bệnh viện ngay. Không phải cứ có ban đỏ trên da mới là sốt xuất huyết. Bệnh có 3 giai đoạn.

- GĐ1: sốt trong 3 ngày. Đây là giai đoạn khởi điểm thôi. Bạn sẽ thấy bình thường như sốt virút. Vì vậy, bạn thường cho nằm nhà tự theo dõi và uống hạ sốt. Chỉ khi con tôi chảy máu cam tôi mới lập tức đưa đi viện lúc này bệnh đã bước sang thời kì nguy hiểm. Vậy nên bạn chú ý không chủ quan, cho uống bù nước và chọn thuốc hạ sốt cho đúng ( trong trường hợp không uống được orezon có thể cho uống nước dừa, rất tốt). Tuyệt đối không dùng Decolgel trong giai đoạn này. Đã từng có năm do Việt Nam dùng thuốc hạ sốt không đúng gây chết hàng loạt cho người bị SXH.

- GĐ2: đây là giai đoạn nguy hiểm nhất rơi từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Con tôi vào viện, tiến triển có vẻ tốt, nhưng thấy bác sĩ cứ theo dõi rất cẩn thận tôi đâm thắc mắc. Vậy mà đang chơi rất vui vẻ lúc 4 giờ chiều, 5h cháu lên cơn sốt trên 39 độ li bì ( hiện tượng này vẫn xảy ra những ngày trước đó) nhưng đến 7h bác sĩ hỏi con không có phản ứng và cháu rơi vào tình trạng TIỀN SỐC. Cháu lúc nóng lúc lạnh (con tôi may mắn được một cô yta phát hiện kịp). Tôi vốn theo mẹ vào viện từ nhỏ nên bình tĩnh cùng các y tá và bác sĩ cấp cứu cho con tại khoa Nhi từ 7h đến 10h. Bác sĩ nói chỉ chậm 10p nữa con tôi đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Tưởng yên tâm nhưng đến 2h sáng thì con tôi lại hoàn toàn mất phản ứng. Nhịp tim, mạch, huyết áp....liên tục tụt. Diễn biến phức tạp và 4h cháu phải chuyển xuống khoa HỒI SỨC TÍCH CỰC. ( 5h khi con giai tạm ổn thì cô con gái tiếp tục cấp cứu với tình trạng bị co giật trong nhà vệ sinh ) Con trai tôi nằm một ngày một đêm ở HSTC với sự quan tâm chăm sóc tận tình của các bác sĩ và những người bạn của tôi rồi quay lên khoa tiếp tục điều trị. Ở đây tạm thời không nói đến cảm giác của người mẹ khi con rơi vào tình trạng nguy hiểm, khi một mình ôm con trong phòng cấp cứu mà chỉ bàn đến bệnh tật mà thôi.

- GĐ3: Đây là giai đoạn bình phục tuy nhiên bạn đừng chủ quan. Các chỉ số men gan tăng cao không thực sự an toàn. ( vd cả 2 cháu nhà tôi men gan tăng gấp 2 lần so với bình thường). Con tôi tiếp tục về nhà và bồi bổ sức khoẻ dưới sự giám sát của bác sĩ. Lúc này tôi mới tạm yên tâm khi cậu bé luôn mồm đòi ăn, tuy nhiên cũng cần chú ý lựa chọn thức ăn hơph lý cho người có men gan quá cao( gấp đôi bình thường). Con vẫn cần nghỉ ngơi chơi nhẹ nhàng.

Vẫn biết Sinh- lão- bệnh- tử... Và bệnh tật không trừ một ai. Nhưng thực sự khi chứng kiến những người thân yêu của mình trên giường bệnh, khi bạn đứng liên tục 5 tiếng chỉ để nhìn nhịp thở của con mình một cách bất lực bạn mới thấy cuộc sống này mong manh đến mức nào. Tất cả, tất cả mọi thứ quanh ta đều không có giá trị gì cả. Khi bạn chỉ biết ôm đứa con vào lòng và thì thầm với con "cố lên nào, cố lên còn về với chị chứ" để rồi một tiếng sau bạn lại tiếp nhận cả cô chị vào cùng cấp cứu với em trong tình trạng nguy hiểm hơn.  Chúng ta không phải chỉ cần có tiền mà cần có nhiều tiền khi người thân rơi vào tình trạng bệnh tật....

Tôi ghi lại những dòng này sau khi 2 con đã về nhà với mong muốn chúng ta hãy chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Nếu bạn thấy nó thực sự hữu ích hãy chia sẻ bài viết để bạn bè của bạn cũng được biết và biết xử lý khi cần. Tự chúng ta phải biết bảo vệ chúng ta đừng đợi ai. 


FB: Anna Doan