Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi, chuyện không nhỏ.


Rối loạn giấc ngủ thường dẫn đến các hậu quả: Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống như mệt mỏi, buồn phiền, buồn ngủ nhiều vào ban ngày, nghiêm trọng hơn là tăng huyết áp, rối loạn nhịp và đột tử. Khoảng hơn một nửa người trên 60 tuổi (người cao tuổi) có biểu hiện của rối loạn giấc ngủ; bệnh thường gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới. Hãy cùng Bác sĩ online tìm hiểu thêm về căn bệnh “tuổi già” này nhé!



Tại sao giấc ngủ lại quan trọng đối với người cao tuổi?

  • - Một giấc ngủ đêm đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi vì: giúp cải thiện trí nhớ, cho phép cơ thể sửa chữa bất kỳ tổn thương tế bào nào xảy ra trong ngày và tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh tật.

  • - Những người cao tuổi không ngủ được thường dễ bị trầm cảm, giảm chú ý và có vấn đề về trí nhớ, buồn ngủ ban ngày nhiều hơn, và bị thức giấc nhiều về đêm hơn.

  • - Thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, bao gồm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái đường, tăng cân và ung thư vú ở phụ nữ.


Người cao tuổi cần ngủ bao lâu là đủ?

Thời gian cần để ngủ thay đổi theo từng người, hầu hết người lớn khỏe mạnh cần 7,5 đến 9 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, cảm giác của bản thân sau khi ngủ quan trọng hơn thời gian ngủ. Nếu khi thức dậy không cảm thấy khỏe khoắn hoặc cảm thấy mệt mỏi trong ngày là những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy bạn không ngủ được.

Giấc ngủ ở người cao tuổi có sự thay đổi:

Khi tuổi càng tăng lên, lượng hoóc môn tăng trưởng do cở thể sản xuất ra càng giảm đi, do đó người cao tuổi thường có cảm giác ngủ không sâu, dẫn đến việc ngủ nhiều và thức giấc thường xuyên hơn vào ban đêm. Đó là lý do tại sao nhiều người coi mình là "người ngủ ít" khi già đi. Ngoài ra, người cao tuổi còn có:

  • - Muốn đi ngủ sớm hơn vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào buổi sáng.

  • - Mất nhiều thời gian vào ban đêm để ngủ, hoặc bù đắp sự thiếu hụt bằng cách ngủ trưa trong ngày.

  • - Trong hầu hết các trường hợp có biểu hiện trên đây, những thay đổi về giấc ngủ là bình thường về mặt sinh lý khi tuổi cao; và không phải là biểu hiện của Rối loạn giấc ngủ.


Các biểu hiện của Rối loạn giấc ngủ:

Ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể đối mặt với vấn đề về Rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu người cao tuổi thường xuyên gặp bất kỳ biểu hiện nào sau đây, họ có thể đang phải đối mặt với Rối loạn giấc ngủ :

  • - Khó khăn khi đi vào giấc ngủ mặc dù đang cảm thấy buồn ngủ.

  • - Khó ngủ lại sau khi bị đánh thức.

  • - Cảm thấy mệt mỏi sau một đêm ngủ.

  • - Cảm thấy bực bội hoặc buồn ngủ trong ngày.

  • - Khó tập trung khi ngồi, xem truyền hình hoặc lái xe.

  • - Khó tập trung trong ngày.

  • - Cần sử dụng thêm thuốc ngủ hoặc rượu để ngủ.

  • - Gặp rắc rối trong việc kiểm soát cảm xúc.


Các nguyên nhân gây Rối loạn giấc ngủ

  • - Bệnh tật ở người cao tuổi: thường gặp nhất là các bệnh về xương khớp gây đau nhức. Ngoài ra, những người mắc các bệnh khác về tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hen phế quản, viêm phế quản, đầy hơi khó tiêu, ... cũng dẫn đến khó ngủ hoặc không ngủ được.

  • - Bệnh lý tâm thần kinh: tuổi già và nhiều mối lo âu còn dẫn đến các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu,...

  • - Sử dụng các thuốc gây rối loạn giấc ngủ: chống trầm cảm, thuốc giảm đau chứa cafein, thuốc lợi tiểu, thuốc khớp có chứa corticoid, thuốc điều trị tăng huyết áp,...

  • - Môi trường, xã hội: môi trường sống chất chội, ồn ào, mất vệ sinh dẫn đến khó ngủ; ăn uống sinh hoạt không hợp lý như quá no, thiếu chất, uống nhiều nước trước khi ngủ, nhiều bia rượu, chất kích thích, ....


Rối loạn giấc ngủ là một căn bệnh thường gặp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống. Vậy có những “mẹo” nào có thể giúp tự thay đổi tình trạng này? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết rối loạn giấc ngủ ở người già - chữa sao cho đúng để có thêm thông tin.