Sốt xuất huyết, những dấu hiệu cần biết.


Sốt xuất huyết là một bệnh do siêu vi gây ra và được lây truyền qua trung gian muỗi. Bệnh phổ biến ở khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, không có thuốc hoặc kháng sinh đặc hiệu để điều trị.



Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm vì:

  1. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ và có số ca mắc cao.

  2. Tỉ lệ tử vong còn cao và ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây.

  3. Là bệnh chưa có thuốc đặc trị, vaccine phòng ngừa thì chưa có ở Việt Nam.

  4. Khi mắc bệnh, diễn biến rất khó lường đặc biệt cuối ngày 3 đến ngày 6, có thể trở nặng rất nhanh chóng: đang bình thường rất nhanh trở nên sốc, trụy tim mạch, hôn mê, đôi khi tử vong.

  5. Số lần mắc càng nhiều thì độ nặng càng tăng: mắc lần 2 nguy hiểm hơn lần 1.


 

Dấu hiệu nghi mắc sốt xuất huyết:

  • Thời điểm: mùa đang có dịch sốt xuất huyết như hiện nay.

  • Sốt cao (39 – 40 độ), sốt liên tục 3-4 ngày, khó giảm khi dùng thuốc và đơn thuần (không kèm ho, tiêu chảy, ... )

  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

  • Đau cơ, đau khớp, nhức ở hai hố mắt.

  • Da ửng đỏ hoặc có những chấm đỏ (xuất huyết); có thể kèm chảy máu rănmáu miệng khi động nhẹ.


Điều trị sốt xuất huyết: Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết; tất cả điều trị đều nhằm làm giảm các triệu chứng:

  1. Hạ sốt:
    + Sử dụng thuốc hạ nhiệt: Thuốcparacetamolđể giảm đau và  hạ sốt ; tuyệt đối không dùng aspirin hoặc ibuprofen , vì có thể tăng nguy cơ chảy máu (Lưu ý: sử dụng theo liều chỉ định của Bác sĩ, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ).
    + Sử dụng kèm các biện pháp hạ sốt khác: lau mát bằng khăn ấm, chườm khăn ấm ở 5 vùng: trán, 2 nách và 2 bẹn; tuyệt đối không dùng nước đá hay khăn lạnh.
    2. Bù nước: Uống nhiều dung dịch oresol, nước đun sôi để nguội, .... để tránh mất nước.

  2. Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế lao động nặng.


- Những điều cần tránh khi điều trị sốt xuát huyết tại nhà:
+ Không uống quá liều Paracetamol, không dùng kháng sinh khi chưa được chỉ định của Bác sĩ.
+Không tự ý truyền dịch khi chưa được chỉ định.
+ Chỉ nên lau người bằng khăn ấm, không nên tắm dù nước nóng hay nước lạnh.

- Đối với các trường hợp sốt xuất huyết thông thường, người bệnh có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn và tư vấn thường xuyên của nhân viên y tế. Tuy nhiên, vì sốt xuất huyết là bệnh có thể trở nặng đột ngột và khó lường trước, nên vẫn cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng để can thiệp kịp thời.

Dấu hiệu sốt xuất huyết đã trở nặng:

  • Thường xuất hiện vào ngày 3 đến ngày 6 của bệnh; lúc này có thể đã giảm sốt, tuy nhiên, đây mới là lúc nguy hiểm đang “rình rập”. Do đó, người bệnh cần phải được theo dõi thất sát sao.

  • Biểu hiện:



  1. Đau đầu nhiều hơn; đau bụng, đặc biết ở vùng dưới sườn và hông phải.

  2. Khó thở, mi mắt và chân sưng to.

  3. Vật vã, bứt rứt, nôn ói nhiều, khát nước nhiều, tiểu ít.

  4. Tay chân lạnh; da lạnh ẩm, tím tái.

  5. Chảy máu mũi, máu nướu răng, đi tiểu có màu máu, đi cầu phân đen, ói ra máu.



  • Khi có các triệu chứng như trên, bệnh đã trở nặng và rất dễ có biến chứng nguy hiểm đên tính mạng, cần mang người bệnh đến Cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.


Dấu hiệu sốt xuất huyết bắt đầu hồi phục:

  • Người bệnh hết sốt hẳn, sức khỏe tốt lên thấy rõ: thèm ăn, hết đau nhức, tiểu nhiều.

  • Có thể xuất hiện các chấm đỏ, nhỏ trên da; ngứa nhẹ, chủ yếu ở vùng mặt trước cẳng chân, mặt trong cánh tay, bụng, đùi, ...