Uốn ván - tai họa lớn đến từ vết thương nhỏ (kỳ 1)


Hiện nay, hầu hết các ca uốn ván thường ở người chưa tiêm ngừa uốn ván, hoặc đã tiêm nhiều năm trước, và đến nay khả năng bảo vệ đã giảm. Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 95%. Ai ai cũng có khả năng nhiễm bệnh, đặc biệt là: người lao động nông nghiệp, làm việc ở các trang trại, các nông lâm trường, chăn nuôi gia súc và gia cầm, dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại, công nhân xây dựng...

Uốn ván là gì: Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do ngoại độc tố của một loại vi trùng uốn ván có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra.

Vi trùng uốn ván có gì nguy hiểm?

  • - Vi trùng có một dạng “ở ẩn” gọi là nha bào, nha bào có thể tồn tại nhiều năm trong một số môi trường và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi bị đun sôi trong suốt 20 phút.

  • - Có ở khắp mọi nơi, những nơi càng bẩn: phân, đất, trong cát bụi, cống rãnh ...càng nhiều, nhưng kể cả những nới có vẻ sạch: tường, bàn ghế, sắt thép... cũng có thể có.


Những vết thương nào có thể chứa vi trùng uốn ván?

  • - Những vết thương ở vùng tưới máu kém, sâu, kín, nhiễm dị vật, nhiễm trùng… có nguy cơ bị bệnh rất cao


Ví dụ: vết thương ở bàn chân, gót chân do dẫm gai, đinh rỉ sét, bị nhiễm trùng sinh mủ…

  • - Một vết thương rất nhỏ, sạch, tự lành vẫn có thể là nguyên nhân gây bệnh.

  • - Khoảng 20- 30% bệnh nhân uốn ván không hề phát hiện vết thương.

  • - Những vết thương sau phẫu thuật, thủ thuật, vết tiêm chích, bệnh da như chàm, ổ loét do ung thư da…ổ nhiễm trùng viêm xoang, viêm tai giữa… đều có thể là nguyên nhân.


Dấu hiệu nhận biết uốn ván

  • - Sau khi bị thương, thời gian phát bệnh trung bình là 7 ngày, đây là thời kỳ để vi trùng phát triển, sinh ra độc tố và tấn công hệ thần kinh. Thời kỳ này càng ngắn thì bệnh sẽ càng nặng. Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất với dấu hiệu điển hình:


+ BIểu hiện đầu tiên thường mơ hồ như mệt mỏi, nhức đầu, đau mỏi cơ… nên thường bị bỏ qua.

+ Bắt đầu bị cứng cơ và thường gặp nhất là cứng hàm, kéo dài trung bình khoảng 2 ngày, nếu diễn tiến càng ngắn thì hậu quả càng nặng. Điển hình là vẻ mặt hề cười nhăn.



+ Sau đó, gồng cứng cơ lan toàn thân và tăng dần đến mức bệnh nhân không thể tự ngồi dậy hay đi lại được nữa: cổ cứng, bụng gồng cứng, cơ tay, chân cứng khó gập lại… dẫn đến tư thế gồng cứng như tấm ván hoặc gồng ưỡn như đòn gánh.



+ Ngoài ra, còn có các biểu hiện:  Nuốt sặc khiến bệnh nhân không thể tự ăn uống được nữa; tím tái, ngạt thở và tử vong nhanh chóng; suy hô hấp vì nghẹt đàm; ngưng tim; rối loạn nhịp thở; ...

+ Đặc điểm quan trọng của bệnh uốn ván là bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo ngay trong cơn và sau cơn co giật nên họ phải chịu đựng cảm giác rất đau đớn.

Diễn tiến của bệnh: Nếu can thiệp kịp thời và không có biến chứng đã kể trên thì bệnh diễn tiến đến đỉnh điểm trong vòng 2 tuần sau đó sẽ lui dần. Để trở về hoạt động bình thường, thường sẽ mất khoảng 4 tuần.

Uốn ván là một bệnh nguy hiểm, có thể xảy đến từ mọi nguyên nhân và xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, cách phòng ngừa uốn ván lại không quá phức tạp và tốn kém: bằng cách tiêm ngừa đầy đủ, đúng cách thì thời gian phòng bệnh có thể lên tới 5 năm và không phải đối mặt với nỗi lo sợ bệnh hay nguy cơ tử vong. Vậy cách xử trí vết thương như thế nào để giảm khả năng phát triển vi trùng uốn ván? Cách tiêm ngừa thế nào cho hiệu quả kéo dài? Mời các bạn đón đọc kỳ 2 của loạt bài viết: UỐN VÁN – TAI HỌA LỚN ĐẾN TỪ VẾT THƯƠNG NHỎ.