Hướng dẫn tự khám dấu hiệu ung thư vú tại nhà


Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ và đang dần trở nên phổ biến hơn tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, năm 1998, ở nữ giới, ung thư vú là loại ung thư có tần suất cao nhất ở Hà Nội và cao thứ hai ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ung thư cổ tử cung. Đây là một bệnh hết sức phức tạp mà trong nhiều năm qua đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân và điều trị.

Trung tâm Y tế Johns Hopkins – Mỹ sau khi nghiên cứu, đã đưa ra kết luận:

"40% ung thư vú được chẩn đoán được phát hiện bởi CHÍNH BẢN THÂN những người phụ nữ cảm nhận khối u ở vú, vì vậy việc tự khám vú thường rất quan trọng".



Thói quen tự kiểm tra vú hàng tháng sẽ giúp bạn biết được hình dáng và đặc trưng khi sờ (mật độ, kích thước, ...) của tuyến vú lúc bình thường nhằm dễ dàng nhận ra ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường (có u, cục, chảy dịch, vùng da vú bị lệch, bị sần, ...).Thời điểm thích hợp nhất để kiểm tra là tối thiểu 5 ngày sau kỳ kinh – khi vú ở trạng thái mềm nhất. Tự kiểm tra vú nên được thực hiện hàng tháng ở phụ nữa trên 20 tuổi, kể cả phụ nữ sau mãn kinh.

Sau đây, Bác sĩ online xin giới thiệu đến bạn đọc 5 bước để tự kiểm tra vú tại nhà:















Bước 1: Cởi bỏ áo ngoài và áo lót, giữ vai thẳng, hai tay chống ngang hông và nhìn trực diện vào gương để kiểm tra. Bạn nên kiểm tra và so sánh:

· Kích thước, hình dạng và màu sắc bình thường của vú.

· Vú bình thường sẽ có hình dạng cân đối, không méo mó, u cục hoặc sưng phồng.

Lưu ý: Nếu thấy bất kỳ thay đổi nào sau đây, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn:

· Phần da vú có u, cục, bề mặt vú bị nhăn.

· Có chất dịch tiết ra bất kỳ từ  phần nào của vú (đặc biệt là núm vú)

· Núm vú đã thay đổi vị trí hoặc núm vú ngược (bị đẩy vào trong thay vì nhô ra ngoài)

· Đỏ, đau nhức, nổi mẫn đỏ, hoặc sưng làm da vú sần như da quả cam.
Bước 2: Đứng thẳng giơ 2 tay lên đầu, hơi nghiêng người về phía trước và quan sát tìm những bất thường của vú và vùng quanh vú như ở bước 1.

Bước 3: Song song đó, bạn cũng lưu ý tìm bất kỳ dấu hiệu nào của dịch lỏng chảy ra từ một hoặc cả hai núm vú (có thể là nước, sữa, sữa hoặc máu).
Bước 4: Tiếp theo, nằm xuống và sờ nắn từng bên vú: Khi ở vú trái thì giơ tay trái lên cao và sử dụng tay phải để cảm nhận; ngược lại, dùng tay trái để cảm nhận ngực phải.

Cách sờ: Dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út của tay còn lại để xoa nắn vú, bắt đầu từ trong quầng vú, vừa ấn nhẹ vừa di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc hoặc thẳng hàng từ trên xuống dưới sao cho đảm bảo khám được toàn bộ vú.

Để sờ được tất cả các các phần sâu của vú: đối với da và phần vú nông sử dụng lực nhẹ; sử dụng lực mạnh hơn cho phần vú ở giữa ngực; sử dụng lực mạnh cho phần vú ở sâu. Cảm thấy được xương sườn là dấu hiệu cho thấy bạn đã sờ đủ sâu.Nếu có vùng bất thường ở một bên, nên so sánh với bên còn lại xem có giống nhau không.

Tiếp tục đưa tay di chuyển đến đuôi vú ở vùng trên nách, ấn nhẹ xem có hạch hoặc bất thường gì không.

Sau đó nắn nhẹ núm vú xem có chảy dịch bất thường không.
Bước 5: Cuối cùng, tự kiểm tra lại bước 4 thêm một lần nữa ở tư thế khác (đứng hoặc ngồi).

Nguồn: Breastcancer.org