Cách điều trị hạ đường huyết nhanh chóng


Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Khi nồng độ đường quá thấp, tế bào não không có đủ năng lượng để hoạt động đúng cách. Nó có thể là hậu quả của bệnh tiểu đường hoặc phản ứng đối với thực phẩm (hoặc do ăn không đủ), và thường dẫn đến sự sụt giảm nồng độ đường trong máu một cách đột ngột. Hạ đường huyết mức độ nhẹ đến trung bình có thể gây cảm giác khó chịu như đói, run rẩy, và chóng mặt; nhưng hạ đường huyết mức độ nặng có thể dẫn đến co giật, thậm chí là đe dọa tính mạng. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang có nguy cơ hạ đường huyết, hãy lên kế hoạch điều trị và phòng ngừa chúng một cách hiệu quả.

Triệu chứng hạ đường huyết

Có nhiều triệu chứng về thể chất và tinh thần giúp bạn xác định tình trạng hạ đường huyết, bao gồm:

  • Run rẩy

  • Chóng mặt

  • Mệt mỏi

  • Lú lẫn (ví dụ như không nhớ rõ ngày tháng)

  • Thay đổi mức độ nhận thức, kém tập trung hoặc buồn ngủ

  • Toát mồ hôi hay “mồ hôi lạnh”

  • Hôn mê (Lưu ý: tình trạng mất phương hướng nghiêm trọng và hôn mê không xảy ra nếu đường huyết không hạ đến mức 45 mg/dL).




Xử trí cơn hạ đường huyết

Khi có triệu chứng đầu tiên của hạ đường huyết, bạn nên ăn ngay một món nhẹ. Hãy ăn bất cứ thứ gì có sẵn một cách nhanh chóng. Triệu chứng phải biến mất trong vòng 10-15 phút sau khi ăn; kiểm tra lại nồng độ đường huyết sau 15 phút để đảm bảo chỉ số trở lại mức 70 mg/dL hoặc cao hơn. Nên ăn thêm nếu chỉ số vẫn quá thấp. Không cần đến bệnh viện hoặc khám bác sĩ khi có dấu hiệu đầu tiên của tình trạng hạ đường huyết. Nếu có thể, bạn nên ngồi để tránh nguy cơ ngất xỉu. Có thể ăn những món nhẹ như: 

  • 120 m nước ép hoa quả (cam, táo, nho,..)

  • 120 ml soda thông thường (không dùng loại soda giảm cân)

  • 240 ml sữa

  • 5-6 viên kẹo

  • 1 thìa mật ong hoặc đường

  • 3-4 viên đường glucose hoặc 15 g gel glucose. Lưu ý rằng liều dùng cho trẻ nhỏ sẽ thấp hơn; đọc kỹ hướng dẫn để xác định liều phù hợp cho trẻ.


Điều chỉnh lối sống

  1. Tránh căng thẳng. Các hormon liên quan đến tình trạng căng thẳng như epinephrine đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và điều hòa glucose. Một vài cách phổ biến dưới đây có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng như:



  • Ghi lại những yếu tố có thể gây ra căng thẳng cho bạn trong một ngày. Nếu xác định được những yếu tố này, bạn có thể thực hiện các bước để làm giảm căng thẳng trong cuộc sống cũng như nguy cơ hạ đường huyết.

  • Ngủ đủ giấc. Thói quen ngủ kém lành mạnh cũng ảnh hưởng xấu đến mức đường trong máu và độ nhạy cảm insulin. Thiếu ngủ còn làm gia tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy tăng cân. Vì vậy, có một giấc ngủ tốt cả về chất và lượng sẽ là một yếu tố quan trọng giúp bạn kiểm soát đường huyết.

  • Tập thể dục. Đi bộ một quãng ngắn mỗi ngày cũng có thể đem lại sự thư giãn.

  • Tìm sự giúp đỡ. Trao đổi với người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình về những khó khăn trong cuộc sống của bạn để có thể tìm được lời khuyên hữu ích. Bạn không nên chịu đựng khó khăn một mình.



  1. Tập thể dục vừa phải. Mức đường trong máu có thể tụt xuống sau khi tập thể dục quá sức, nhưng không có nghĩa là bạn nên dừng lại hoàn toàn. Tập thể dục có nhiều lợi ích về mặt sức khoẻ, và bạn có thể luyện tập ở mức độ vừa phải với một số lưu ý nhất định để ngăn ngừa nguy cơ hạ đường.



  • Ăn nhẹ trước và sau khi tập thể dục. Điều này sẽ ngăn không cho lượng đường trong máu giảm xuống quá mức. Nếu cần, có thể kiểm tra lại đường huyết trong thời gian tập thể dục kéo dài và dùng thêm bữa ăn nhẹ, nhất là trường hợp đường huyết dưới 100 mg/dl.

  • Không tập thể dục muộn vào ban đêm. Nghỉ ngơi ít nhất hai giờ trước khi ngủ.

  • Không nên tập thể dục nhiều hơn một hoặc hai lần trong ngày.

  • Không tập thể dục khi dùng insulin ở liều cao nhất. Ngay cả khi đã nghỉ ngơi sau khi hoạt động, thuốc vẫn có thể làm hạ đường huyết. Kiểm tra mức độ đường máu định kỳ sau tập luyện.



  1. Giảm sử dụng rượu và cà phê. Rượu và cà phê có thể khó bỏ vì đó là loại thức uống quen thuộc của xã hội, nhưng chúng cũng là chất xúc tác chính dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Khoảng một phần năm các cơn hạ đường nghiêm trọng là do rượu. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc từ bỏ rượu và cà phê, hãy chỉ nên uống trong các buổi tiệc tùng và cố gắng giới hạn trong một ly.


Uống rượu, nhất là khi bụng đói, có thể gây ra hạ đường huyết và thậm chí kéo dài một đến hai ngày sau đó. Vì vậy, hãy dùng kèm một bữa ăn nhẹ nếu cần thiết.

  1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng duy trì một cân nặng hợp lý sẽ cải thiện sức khỏe của bạn và ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật trong tương lai.


Kiểm soát cân nặng đã được chứng minh giúp giữ cho mức đường trong máu ổn định và giảm nguy cơ phát triển tiểu đường. Theo nghiên cứu, giảm 7% trọng lượng cơ thể tương ứng với cắt giảm 58% nguy cơ tiểu đường.

Vì vậy, nếu muốn kiểm soát lượng đường trong máu, bạn cũng nên để ý đến vòng eo của mình. Nghiên cứu chỉ ra vòng eo phụ nữ vượt quá 88.9 cm và nam giới vượt quá 101.6 cm liên quan đến gia tăng nguy cơ phát triển kháng insulin, tăng đường huyết và tiểu đường type 2.

  1. Bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng đáng kể tỷ lệ hạ đường huyết nghiêm trọng. Ngưng hút thuốc không những giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ chung mà còn góp phần ngăn ngừa hạ đường.


Thay đổi khẩu phần ăn  



  1. Lên kế hoạch bữa ăn theo những khoảng thời gian đều đặn. Ăn ít hoặc ăn không thường xuyên có thể gây hạ đường huyết. Bạn nên ăn sáu bữa nhỏ mỗi ngày hoặc ăn ba bữa chính kèm các món ăn nhẹ xen kẽ. Nên sắp xếp thời gian sao cho khoảng cách giữa bữa chính và bữa phụ cách đều nhau. Chế độ ăn này không những giúp kiểm soát được khối lượng thực phẩm dung nạp mà còn tránh hạ đường huyết.

  2. Tuân thủ chế độ ăn cân bằng.Bữa ăn chính nên bao gồm thực phẩm giàu protein, ví dụ như thịt gà, cá hoặc thịt bò, khoảng 90-120 gram. Nếu là người ăn chay, bạn nên bổ sung protein từ nguồn khác như trứng, đậu phụ, đậu nành hoặc sữa chua Hy Lạp. Ngoài protein, bữa ăn còn phải bao gồm các carbonhydrate phức hợp và nhiều rau củ quả.



  • Carbonhydrate phức hợp nên chiếm 40-60% bữa ăn hàng ngày và có thể đến từ nguồn gạo lứt, đậu, bánh mì nguyên hạt cùng nhiều loại rau như cải xoăn, bắp cải và bông cải xanh. Hạn chế tiêu thụ carbonhydrate tinh luyện như bánh mì trắng, bánh nướng, sirô và kẹo.

  • Những loại hoa quả tốt gồm có cam, đào, nho, việt quất, dâu tây, dưa hấu và nhiều loại khác; những loại quả này giúp cân bằng bữa ăn và cung cấp nhiều dưỡng chất có giá trị. Hoa quả tươi giàu đường tự nhiên có thể giúp tăng đường huyết và ngăn ngừa hạ đường.

  • Nguyên tắc hàng đầu đó là đĩa ăn phải chứa 2/3 rau củ quả.



  1. Luôn mang theo món ăn nhẹ. Để có thể thuận lợi trong việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh, bạn có thể để sẵn trong nhà, văn phòng, bóp ví hay trong xe một số đồ ăn nhẹ (khoảng 15 gram carbohydrate) trong những trường hợp khẩn cấp. Nếu không thể có một bữa ăn phù hợp vào thời gian đã lên lịch hoặc khi cảm thấy bắt đầu có các triệu chứng của hạ đường huyết, những đồ ăn này có thể giúp ngăn ngừa hạ đường huyết tạm thời cho đến khi bạn có thể ăn trở lại. Ví dụ về một vài món ăn nhẹ có thể để lâu bao gồm:



  • Một hộp nước trái cây

  • Một hộp nho khô nhỏ

  • Một thanh bánh ngũ cốc nướng

  • Một vài viên kẹo