Cách sử dụng phấn rôm an toàn


Phấn rôm là loại bột màu trắng chứa nhiều chất hóa học khác nhau với thành phần chính là bột talcum.. Nhờ tính năng hấp thụ nước nên thường được ứng dụng để hút ẩm và bôi trơn. Do đó, phấn rôm có rất nhiều công dụng mà bạn có thể chưa biết đến. Tuy nhiên, việc lạm dụng chúng lại có thể gây ra những tác hại không ngờ. Tìm hiểu về cách sử dụng phấn rôm an toàn sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình một cách tốt nhất.

Công dụng của phấn rôm

  1. Khử mùi. Bạn đã hết lăn khử mùi hoặc đã chán ngán vì chúng không hiệu quả như mong muốn? Phấn rôm sẽ thành cứu cánh của bạn trong tình huống này. Lấy một ít phấn rôm rắc và thoa đều lên vùng nách, nó sẽ hút mồ hôi và giữ mùi hương thơm dịu mát cho cơ thể bạn.




Đi giày thể thao đôi khi cũng mang lại sự khó chịu cho đôi bàn chân bởi vì mồ hôi tiết ra gây mùi. Đừng lo, bạn hãy thử rắc phấn rôm vào trong giày để khử mùi hôi này xem sao. Đặc biệt hơn nữa, điều này còn giúp cho giày thể thao của bạn không bị ẩm mốc hay gián và kiến không thể chui vào trong.

  1. Giảm đau khi tẩy lông. Một lớp phấn rôm trên da trước khi triệt lông bằng phương pháp waxing sẽ giúp giảm bớt cảm giác đau và bỏng rát.

  2. Chữa cháy khi tóc bết. Đầu tóc bết bát khiến bạn mất tự tin khi ra đường? Sử dụng phấn rôm như một loại dầu gội khô bằng cách chải chút bột phấn vào chân tóc sẽ giúp bạn giải quyết nỗi lo này.

  3. Giảm phồng rộp gót chân. Để đối phó với tình trạng bị phồng rộp phần gần gót chân khi đi giày mới, thay vì sử dụng miếng dán urgo, bạn có thể sử dụng một chút phấn rôm để rắc vào phần trong của gót giày hoặc phần gót chân, phấn rôm sẽ làm giảm độ ma sát vì vậy sẽ giúp bạn tránh được tình trạng phồng rộp khi đi lại nhiều.




Sử dụng phấn rôm an toàn

  1. Tránh sử dụng phấn rôm cho vùng kín. Theo các kết quả nghiên cứu, bột talcum có trong phấn rôm được cho là liên quan đến ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Tiếp xúc kéo dài có lẽ được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư buồng trứng; do đó, nếu bạn là phụ nữ, không nên thoa phấn rôm vào đồ lót, băng vệ sinh hay bao cao su vì nó sẽ lưu lại vùng kín trong một thời gian dài.


Ngoài ra, bạn cũng tránh bôi phấn rôm vào vùng kín của trẻ trước khi đóng bỉm. Điều này không những làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tăng nguy cơ hăm tã mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư ở trẻ, đặc biệt là các bé gái.

Nếu bạn là nam giới, không sử dụng phấn rôm cho vùng kín trước khi quan hệ tình dục. Nên rửa sạch bột phấn trước khi quan hệ hoặc cân nhắc sử dụng một sản phẩm thay thế.

  1. Tránh hít phấn rôm. Bột talc trong phấn rôm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ khi hít phải, đặc biệt là những ảnh hưởng lên hô hấp. Trẻ sơ sinh hít phải bột phấn rôm có thể bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái và bị phù phổi. Biểu hiện lâm sàng thường nặng dần theo thời gian, nặng thì viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi và tắc nghẽn tiểu phế quản. Chỉ nên dùng phấn rôm cho vùng mông hoặc lưng của bé, không nên dùng ở phần cổ hay mặt vì vị trí này gần mũi và miệng của bé, là nguyên nhân khiến cho trẻ dễ hít vào bột phấn. Ngoài ra, tránh bôi phấn rôm cho trẻ ở nơi có gió lộng, quạt mở hay gần cửa sổ để tránh bụi phấn rôm làm bé hít phải.


Người hít phải phấn rôm bôi da lâu ngày còn có thể gây “bệnh bụi phổi” do thành phần bột talc tích tụ lâu ngày trong phổi, gây xơ hóa mô kẽ và tạo các u hạt.

Nên sử dụng phấn rôm với liều lượng nhỏ. Không nên rắc quá nhiều sẽ khiến chúng phân tán vào không khí và chúng ta dễ dàng hít phải.



Không nên thoa trực tiếp phấn rôm lên cơ thể trẻ. Đây là một thói quen tai hại mà các bậc cha mẹ hay mắc phải, thay vào đó mẹ hãy cho một chút vào lòng bàn tay mình và xoa lên quần áo, tã hoặc thoa nhẹ lên da của con.



Tuyệt đối không dùng phấn rôm nếu như da trẻ có những biểu hiện như tấy đỏ, kích ứng, mẩn ngứa hay trong trường hợp da bé đang bị tổn thương, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng da cho trẻ.

  1. Bảo quản phấn rôm trong hộp để giữ an toàn cho trẻ. Không nên để trẻ chơi đùa cùng phấn rôm sẽ rất nguy hiểm và độc hại thậm chí có thể khiến bé bị ngộ độc. Vậy nên các bậc cha mẹ cần chú ý để xa tầm tay trẻ, tránh để bé đùa nghịch với chai đựng phấn rôm.

  2. Cẩn thận khi sử dụng phấn rôm để trang điểm. Phấn rôm có thể chứa asbestos – một chất gây ung thư đã bị cấm sử dụng trong ngành mỹ phẩm. Song lại có ít bằng chứng cho thấy các phản ứng phụ tiêu cực xảy ra khi sử dụng phấn rôm để trang điểm.


Do đó, bạn cần lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được kiểm nghiệm bởi FDA.