Làm gì và tránh gì khi bị đau khớp gối


Đau đầu gối là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi từ người già, thanh thiếu niên, thậm chí là ở trẻ em. Bệnh gây nên rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và hoạt động hàng ngày. Có không ít các phương pháp có thể giúp bạn đẩy lùi cơn đau đầu gối, cho dù cơn đau đó là do một chấn thương gần đây hoặc viêm khớp đã có từ nhiều năm.
Thực hiện theo 11 điều nên làm và nên tránh dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc khớp gối của mình cũng như người thân được hiệu quả nhất.


Tránh nghỉ ngơi quá nhiều. Không vận động hoặc nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm cơ bắp của bạn yếu dần, điều này làm cho cơn đau khớp gối trở nên nặng hơn. Hãy thử tìm một số bài tập cho khớp gối của bạn và duy trì tập luyện nó mỗi ngày. Nếu bạn phân vân không chắc bài tập nào là phù hợp hoặc tập luyện bao nhiêu là đủ, bạn có thể trao đổi thêm với các bác sĩ vật lý trị liệu.

Tập thể dục. Các bài tập hỗ trợ tim mạch giúp tăng cường cho các cơ đầu gối và làm tăng tính linh hoạt của khớp gối. Tập tạ và giãn cơ cũng đóng vai trò tương tự. Một số bài tập hỗ trợ tim mạch hiệu quả bao gồm: đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước, tập với máy đạp xe và máy Elliptical (máy tập chạy bộ có tay cầm). Thái Cực Quyền cũng có thể giúp giảm cứng khớp gối và cải thiện sự cân bằng.

Tránh nguy cơ té ngã. Đầu gối khi đau hoặc không vững rất dễ khiến bạn bị té ngã, gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng đến khớp gối. Phòng ngừa nguy cơ té ngã bằng cách: bảo đảm ánh sáng đầy đủ trong nhà, sử dụng tay vịn khi đi cầu thang, và dùng thang xếp chắc chắn hoặc ghế để chân khi cần lấy đồ trên giá cao.

Sử dụng liệu pháp "RICE": Nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép, và giữ cao tư thế (RICE) là phương pháp hiệu quả giúp giảm đau đầu gối gây ra bởi một chấn thương nhẹ hoặc đợt bùng phát viêm khớp. Đặt đầu gối nghỉ ngơi, chườm đá lạnh để giảm sưng, băng bó ép chặt vùng đau và giữ đầu gối của bạn ở tư thế cao.

Kiểm soát cân nặng. Nếu bạn thừa cân, việc giảm cân sẽ giúp làm giảm áp lực lên khớp gối của bạn. Bạn không cần phải đạt đến một cân nặng "lý tưởng" vì thay đổi nhỏ thôi cũng góp phần tạo nên sự khác biệt.

Tránh ngại ngùng khi sử dụng dụng cụ hỗ trợ. Dùng nạng hoặc gậy có thể làm giảm áp lực lên khớp gối của bạn. Bên cạnh đó, nẹp gối bằng dụng cụ chuyên dụng sẽ giúp giữ cố định vùng tổn thương.

Xem xét châm cứu. Hình thức y học cổ truyền Trung Hoa, bằng cách dùng kim nhỏ đâm vào một số điểm trên cơ thể, phương pháp được sử dụng rộng rãi nhằm làm giảm đau các loại trong đó có khớp gối.

Kiểm tra đôi giày. Đệm lót giày có thể làm giảm áp lực lên đầu gối của bạn. Đối với người bị viêm khớp gối, bác sĩ thường khuyến khích họ dùng miếng lót giầy chuyên biệt. Hãy trao đổi ý kiến với các bác sĩ vật lý trị liệu để tìm loại đệm lót phù hợp với bạn.

Sử dụng nhiệt. Trong 48 đến 72 giờ đầu tiên sau khi bị chấn thương đầu gối, hãy sử dụng túi lạnh để giảm sưng và làm tê buốt cơn đau. Gói túi nước đá của bạn vào một chiếc khăn rồi chườm lên da vùng gối. Chườm lạnh từ 15 đến 20 phút và lặp lại ba hoặc bốn lần một ngày. Sau đó, bạn có thể làm ấm bằng nước ấm, miếng sưởi ấm, hoặc khăn ấm trong vòng 15 đến 20 phút, lặp lại ba hoặc bốn lần một ngày.

Tránh tác động mạnh lên khớp gối. Các bài tập có cường độ cao có thể làm tổn thương thêm khớp gối đang đau. Tránh những động tác mạnh như chạy, nhảy, và đấm bốc. Cũng tránh các bài tập như chùng chân (lunges) và xuống tấn (squats) sâu vì có thể gây tăng áp lực lên khớp gối của bạn. Điều này càng khiến tình trạng khớp gối trở nặng, hơn nữa nếu thực hiện sai kĩ thuật có thể dẫn đến chấn thương.

Có được lời khuyên của bác sĩ. Nếu đau đầu gối của bạn là mới xảy ra, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh bất kỳ tổn hại nào lên khớp gối.