Tăng acid uric máu gây ra triệu chứng gì?


Tăng acid uric máu là một tình trạng khá phổ biến hay gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là nam giới. Những bệnh lý có liên quan đến tình trạng này cũng tiếp tục gia tăng, mang lại những hậu quả và khó khăn trong cuộc sống của người bệnh. Vậy acid uric bao nhiêu là cao? Khi nào cần dùng thuốc điều trị? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết.  

Tăng acid uric máu là gì?

Tăng acid uric máu là sự dư thừa acid uric trong máu. Acid uric được hình thành qua gan, và đổ vào dòng máu của bạn. Phần lớn chúng được thải ra ngoài cơ thể qua đường tiểu hoặc qua đường tiêu hóa để duy trì ở mức cân bằng.

Nồng độ acid uric bình thường là 2,4-6,0 mg / dL (nữ) và 3,4-7,0 mg / dL (nam). Giá trị này sẽ có sự chênh lệch giữa các phòng xét nghiệm.

Quyết định đến nồng độ acid uric máu là purine. Purines là các hợp chất chứa nitơ, được tạo ra bên trong các tế bào của cơ thể (nội sinh), hoặc đến từ bên ngoài cơ thể, từ các thực phẩm chứa purine (ngoại sinh). Purine phân hủy thành acid uric. Tăng nồng độ acid uric từ purine dư thừa có thể tích tụ trong mô của bạn, và hình thành tinh thể. Điều này sẽ làm cho lượng acid uric trong máu tăng cao.

Tích tụ acid uric sẽ xảy ra khi mức acid uric máu tăng lên trên 7 mg / dL. Có thể xuất hiện các vấn đề như sỏi thận và gút (sự lắng đọng các tinh thể acid uric trong khớp, đặc biệt ở ngón chân và ngón tay).



Nguyên nhân

Nguyên nhân gây tăng acid uric máu có thể nguyên phát (tăng nồng độ acid uric do purine) hoặc thứ phát (mức acid uric cao do một bệnh hoặc tình trạng khác). Đôi khi là do cơ thể sản xuất nhiều acid uric hơn mức có thể bài tiết.

Triệu chứng

Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng gì.

Nếu mức acid uric máu tăng lên đáng kể và bạn đang trải qua hóa trị liệu cho bệnh bạch cầu hoặc lymphoma, bạn có thể có các triệu chứng của bệnh thận hoặc viêm khớp gút do nồng độ acid uric trong máu cao.

Bạn có thể bị sốt, ớn lạnh, mệt mỏi nếu bạn mắc bệnh ung thư. Hội chứng ly giải khối u sẽ khiến nồng độ acid uric trong cơ thể bạn tăng lên.

Bạn có thể bị viêm khớp (gút), nếu tinh thể acid uric tích tụ trong khớp. Cần lưu ý rằng bệnh gút có thể xảy ra ngay cả khi mức acid uric bình thường.

Bạn có thể bị các vấn đề về thận (do sỏi thận gây ra) hoặc các vấn đề về tiểu tiện

Chế độ chăm sóc

Hãy nói với các bác sĩ của bạn về các loại thuốc mà bạn đang dùng (bao gồm cả các thuốc không kê toa, vitamin và thảo dược).

Nhắc nhở bác sĩ nếu bạn có tiền sử bệnh tiểu đường, gan, thận hoặc bệnh tim.

Làm theo hướng dẫn của các bác sĩ về việc làm giảm mức acid uric máu và điều trị chứng tăng acid uric máu. Nếu mức acid uric máu của bạn tăng cao, bác sĩ có thể kê toa thuốc để giảm mức acid uric xuống mức an toàn.

Nếu bạn có nồng độ acid uric tăng trong máu và bác sĩ của bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ bị bệnh gút, sỏi thận, hãy thử một chế độ ăn với hàm lượng purine thấp.

Các thực phẩm giàu chất purine bao gồm:

Tất cả các thịt nội tạng (như gan), chất chiết xuất từ ​​thịt và nước thịt

Men và chất chiết xuất từ ​​men (bia, đồ uống có cồn)

Măng tây, rau bó xôi, đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng, bột yến mạch, súp lơ và nấm.

Các loại thực phẩm có hàm lượng purine thấp bao gồm:

Ngũ cốc tinh chế – bánh mì, mì ống, bột mì, bột sắn, bánh ngọt

Sữa và các sản phẩm sữa, trứng

Xà lách, cà chua, rau xanh

Súp kem không thịt

Nước, nước trái cây

Bơ đậu phộng, trái cây và các loại hạt

 

Cung cấp nước trong cơ thể bằng cách uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày, trừ khi có yêu cầu khác từ bác sĩ.

Sử dụng thuốc điều trị tăng acid uric máu theo hướng dẫn.

Tránh uống cà phê và rượu, vì chúng có thể gây ra vấn đề với acid uric và làm tăng acid uric máu.

Tránh dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu thiazid (hydrochlortiazide), và thuốc lợi tiểu quai (như furosemide hoặc Lasix®). Ngoài ra, các thuốc như niacin, và aspirin liều thấp (ít hơn 3 gram mỗi ngày) có thể làm trầm trọng thêm mức acid uric máu. Không dùng các loại thuốc này, hoặc aspirin trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn có các triệu chứng của tăng acid uric máu hoặc gặp phải tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt nếu nghiêm trọng, hãy trao đổi với các bác sĩ của bạn. Họ có thể kê toa thuốc và / hoặc đưa ra những gợi ý khác có hiệu quả trong việc điều trị bệnh cho bạn.

Đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sau:

  • Đau khớp cục bộ kèm theo sưng đỏ (đặc biệt là khớp ngón chân hoặc ngón tay).

  • Khó thở, đau ngực; nên được đánh giá ngay lập tức.

  • Cảm giác tim đập nhanh (đánh trống ngực).

  • Chảy máu không ngừng sau vài phút.

  • Bất kỳ phát ban mới xuất hiện trên da- đặc biệt là khi bạn bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới.