Bạn đã biết về hội chứng Ngưng thở khi ngủ?


Hơn 18 triệu người ở Hoa Kỳ đã trải qua một số cơn ngưng thở khi ngủ. Hai loại chính của ngưng thở khi ngủ bao gồm ngưng thở trung ương và ngưng thở tắc nghẽn. Trong đó, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường gặp hơn. Chẩn đoán bệnh tuy đơn giản nhưng gây bất tiện, vì hầu hết người bệnh sẽ cần trải qua một nghiên cứu về giấc ngủ để xác định chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của cơn ngưng thở. Sau khi được chẩn đoán, các lựa chọn điều trị sẵn có thường đạt hiệu quả và không yêu cầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Phân biệt ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương

  1. Nguyên nhân gây ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ phổ biến hơn nhiều so với ngưng thở trung ương khi ngủ và thường gây ra bởi sự tác động trực tiếp vào đường dẫn khí khi cơ cổ họng giãn, dẫn đến gián đoạn hô hấp.



  • Bình thường, các cơ cổ họng hỗ trợ cấu trúc trong miệng và vùng hầu họng vẫn mở để cho không khí đi qua, ngay cả khi bạn đang ngủ.

  • Các tổ chức mô mềm được nâng đỡ bởi các cơ vận động vùng hầu họng bao gồm lưỡi, amiđan, khẩu cái mềm và lưỡi gà.

  • Khi ngủ, các cơ này giãn ra làm hẹp đường thở gây cản trở sự lưu thông của không khí.



  • Sự tắc nghẽn này xảy ra từ 10 đến 20 giây làm cho lượng oxy trong máu bị thiếu hụt không đủ đáp ứng cho nhu cầu của não.

  • Sự thiếu hụt oxy làm cho não phát ra một tín hiệu đánh thức bạn dậy, khi đó các cơ ở họng được kích thích co cơ làm đường thở nới rộng ra giúp bạn thở lại bình thường. Trong hầu hết trường hợp, người bệnh sẽ không nhớ điều này khi thức dậy.

  • Hiện tượng này có thể xảy ra từ 5 đến 30 lần mỗi giờ, hoặc thậm chí nhiều hơn, và cứ như vậy suốt cả đêm.



  1. Triệu chứng của ngưng thở tắc nghẽn. Một số triệu chứng ngưng thở tắc nghẽn có thể chồng lấp với ngưng thở trung ương. Ở hầu hết mọi người, nguyên nhân thường sẽ cho thấy một trong hai loại đều có thể xảy ra. Các triệu chứng thường gặp trong ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ bao gồm:



  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày, có thể rơi vào giấc ngủ trong khi đang làm việc, xem truyền hình hoặc thậm chí lái xe.

  • Ngáy to, đủ để làm phiền giấc ngủ của người khác, ngáy thường to nhất khi ngủ nằm ngửa.



  • Có các giai đoạn ngưng thở.

  • Thức dậy đột ngột với cơn khó thở, thường kèm theo thở khò khè, ngạt thở hoặc thở hổn hển.

  • Thức dậy với cơn đau đầu hoặc đau ngực.

  • Khó tập trung trong ngày.

  • Trạng thái ủ rũ hoặc thay đổi đáng chú ý trong tâm trạng.

  • Các vấn đề với chứng mất ngủ, chẳng hạn như khó ngủ vào ban đêm.

  • Tăng huyết áp.



  1. Nguyên nhân gây ngưng thở trung ương khi ngủ. Tuy các triệu chứng tương đối giống nhau, nhưng những nguyên nhân cơ bản của ngưng thở trung ương là khác nhau.



  • Ngưng thở trung ương khi ngủ xảy ra khi não gửi các tín hiệu bị lỗi đến các cơ chịu trách nhiệm điều hoà hô hấp.

  • Ngưng thở trung ương ít gặp hơn ngưng thở tắc nghẽn và thường liên quan đến một tình trạng bệnh lý khác.

  • Nguyên nhân thường gặp nhất là các tình trạng liên quan đến bệnh lý tim mạch trầm trọng như suy tim, rối loạn chức năng não bộ, hoặc có tiền sử đột quỵ.

  • Một số loại thuốc sử dụng nhiều lần hoặc quá liều có thể gây ra chứng ngưng thở trung ương khi ngủ. Thuốc giảm đau là những loại thuốc phổ biến nhất, bởi chúng gửi các tín hiệu đến não làm gián đoạn nhịp thở.

  • Các thuốc giảm đau có liên quan đến ngưng thở trung ương bao gồm morphine, oxycodone, và codeine.



  1. Triệu chứng của ngưng thở trung ương.



  • Khó thở khiến bạn phải thức giấc.

  • Khó thở giảm khi ngồi thẳng.

  • Có các giai đoạn rối loạn nhịp thở khi ngủ, bao gồm cả ngưng thở.

  • Khó ngủ.

  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày, có thể rơi vào giấc ngủ trong khi đang làm việc, xem truyền hình hoặc thậm chí lái xe.

  • Các bằng chứng của giấc ngủ kém bao gồm khó tập trung, đau đầu buổi sáng, và thay đổi tâm trạng.

  • Ngáy. Mặc dù ngáy cũng là một triệu chứng của ngưng thở tắc nghẽn, nhưng cũng có thể không liên quan đến ngưng thở.


Điều trị ngưng thở khi ngủ bằng việc thay đổi lối sống

  1. Thực hiện thay đổi lối sống. Các điều trị thường bắt đầu bằng việc điều chỉnh các yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của bạn.


Đến cơ sở chăm sóc y tế để được chẩn đoán xác định và nhận sự hỗ trợ cho những điều chỉnh lối sống quan trọng mà bạn có thể thay đổi để giúp cải thiện tình trạng ngưng thở.

  1. Tránh sử dụng rượu, đặc biệt là sử dụng hàng ngày hoặc quá mức.




Rượu có thể khiến nhịp thở của bạn chậm lại đáng kể. Điều này làm cho lượng oxy trong máu thấp hơn bình thường, trong khi bạn lại muốn có nhiều oxy hơn để đáp ứng với nhu cầu của não. Đừng uống rượu trong vòng bốn giờ trước khi đi ngủ.

  1. Bỏ thuốc lá. Những người hút thuốc lá sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn về hô hấp.




Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cần giúp đỡ để ngừng hút thuốc. Các thuốc bao gồm cả kê toa và không kê toa đều có thể giúp bạn bỏ thuốc lá thành công.

  1. Giảm cân. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, đây có thể là nguyên nhân chính gây nên chứng ngưng thở khi ngủ.



  • Thực hiện việc quản lý cân nặng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

  • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cần hỗ trợ giảm cân. Các thuốc kê toa có thể giúp bạn, ngoài ra bác sĩ có thể giới thiệu bạn với một nhà dinh dưỡng học hoặc một chuyên gia trị liệu để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.



  1. Nhờ bác sĩ xem lại các loại thuốc của bạn. Hãy chắc chắn rằng bác sĩ biết được những vấn đề bạn gặp phải trong cơn ngưng thở khi ngủ.


Với sự trợ giúp của bác sĩ, các loại thuốc thông thường của bạn có thể sẽ được điều chỉnh để ngăn ngừa một số thuốc có thể làm trầm trọng hoặc gây ra tình trạng của bạn.

  1. Ngủ ở tư thế nằm nghiêng. Cố gắng tránh nằm ngửa khi ngủ.



  • Sử dụng thêm gối kê lưng để ngăn việc ngả lưng trở lại trong lúc ngủ.

  • Các loại gối đặc biệt có thể giúp bạn nghỉ ngơi thoải mái khi nằm ở tư thế nghiêng.



  1. Giữ thông thoáng đường mũi. Khi mũi của bạn bị tắc nghẽn hay sung huyết sẽ khiến bạn phải thở bằng miệng vào ban đêm, điều này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng ngưng thở.



  • Trao đổi với bác sĩ của bạn về cách an toàn và hiệu quả nhất để giữ cho mũi của bạn được thông thoáng vào ban đêm. Các sản phẩm không kê toa, bao gồm cả những sản phẩm không chứa bất kỳ loại thuốc nào như miếng dán thông mũi, đều có ích.

  • Các sản phẩm khác như nước muối xịt mũi hoặc bình rửa mũi cũng giúp cải thiện tình trạng này.



  1. Đến gặp nha sĩ. Dụng cụ bảo vệ hàm thiết kế theo ý (Custom-fitted mouth devices) được sử dụng để hỗ trợ riêng cho chứng ngưng thở khi ngủ.



  • Dụng cụ này được thiết kế vừa với miệng để giữ hàm dưới và lưỡi ở vị trí sao cho đường thở được thông thoáng để bạn có thể dễ dàng hít thở khi ngủ.

  • Loại thiết bị này có thể có hoặc không giúp loại bỏ nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ trước để quyết định sử dụng chúng.



  1. Thực hiện các bước để khắc phục những nguyên nhân cơ bản. Với sự hỗ trợ của bác sĩ, bạn có thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra cơn ngưng thở khi ngủ.



  • Ví dụ, nếu bạn biết rằng amiđan của bạn sưng to và gây ra ngưng thở, hãy thử trao đổi với bác sĩ về các phương pháp có thể khắc phục.

  • Ở những người bị chứng ngưng thở trung ương khi ngủ do các bệnh lý tim mạch, cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ để giải quyết những vấn đề này có thể giúp kiểm soát triệu chứng ngưng thở.

  • Điều này cũng đúng đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Thực hiện tốt các chế độ chăm sóc, bao gồm các bước kiểm soát cân nặng, có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.