Cách nhận biết và chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng


Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ - đặc trưng bởi loét miệng và phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh thường nhẹ với tác nhân gây bệnh phổ biến là virus Coxsackie.

Triệu chứng

Bệnh tay chân miệng có thể có các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây. Bao gồm:

  • Sốt

  • Đau họng

  • Cảm thấy không khỏe (khó chịu)

  • Thương tổn đỏ, đau, giống vết bỏng rộp trên lưỡi, nướu và bên trong má

  • Phát ban đỏ, không ngứa nhưng đôi khi có phồng rộp trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc có thể là mông



  • Gây khó chịu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Mất cảm giác ngon miệng


Thời gian kể từ lúc virus xâm nhập vào cơ thể đến khi xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng (thời gian ủ bệnh) là từ ba đến sáu ngày. Sốt thường là biểu hiện đầu tiên của bệnh, tiếp theo là đau họng và đôi khi có thể gây khó chịu hoặc làm mất cảm giác ngon miệng.

Một đến hai ngày sau sốt, các vết loét có thể xuất hiện trong phần trước của miệng hoặc cổ họng. Phát ban lòng bàn tay, bàn chân hay ở mông có thể kèm theo trong vòng một hoặc hai ngày sau đó.

Các vết loét xuất hiện ở phần sau của miệng và cổ họng gợi ý con bạn có thể mắc một bệnh nhiễm virus khác có tên là Herpangina. Các đặc điểm phân biệt khác của Herpangina bao gồm sốt cao đột ngột và có thể gây co giật. Các thương tổn ở bàn tay, bàn chân hoặc các phần khác của cơ thể là rất hiếm.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Tay chân miệng là một bệnh thường nhẹ chỉ gây sốt trong vài ngày với các dấu hiệu và triệu chứng tương đối nhẹ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu vết loét miệng hoặc tình trạng đau họng khiến trẻ không thể uống nước được. Hay nếu sau vài ngày, dấu hiệu và triệu chứng của con bạn trở nên nặng nề hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là nhiễm virus Coxsackie A16. Coxsackie thuộc nhóm virus mang tên Enteroviruses nonpolio. Các loại khác của nhóm virus này cũng có thể gây bệnh tay chân miệng.

Đường tiêu hóa là nguồn gốc chủ yếu của nhiễm virus Coxsackie và bệnh tay chân miệng. Bệnh lây lan từ người sang người do tiếp xúc với người bệnh qua:

  • Dịch tiết của mũi hoặc họng

  • Nước bọt

  • Dịch tiết từ tổn thương phỏng rộp

  • Phân

  • Giọt dịch nhỏ trong đường hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hoặc hắt hơi


Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường sẽ biến mất sau 7 đến 10 ngày.

Thuốc gây tê tại chỗ có thể giúp giảm đau gây ra do vết loét miệng. Các thuốc giảm đau thông thường ngoại trừ aspirin, như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm bớt tình trạng khó chịu chung.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích ứng các thương tổn trên lưỡi, trong miệng hoặc cổ họng. Áp dụng những mẹo dưới đây có thể làm giảm tình trạng khó chịu do thương tổn gây đau và do đó giúp ăn uống được tốt hơn:

  • Mút kem que hoặc kem tuyết.

  • Ăn kem.

  • Uống nhiều chất lỏng. Chất lỏng rất cần thiết khi trẻ bị sốt. Các chất lỏng tốt nhất là các sản phẩm sữa hay nước mát.

  • Tránh thức ăn hay đồ uống có tính axit, chẳng hạn như trái cây có múi, nước trái cây và soda.

  • Tránh thức ăn mặn hoặc cay.

  • Ăn những thức ăn mềm không cần nhai nhiều.

  • Súc miệng bằng nước muối ấm (½ muỗng muối + 1 cốc nước ấm) sau bữa ăn.


Cho trẻ súc miệng vài lần trong ngày hoặc thường xuyên hơn khi cần thiết nhằm giúp trẻ bớt đau do vết loét miệng và cổ họng.

Phòng ngừa

Một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng:

  • Rửa tay cẩn thận. Hãy rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn. Khi không có xà bông và nước, hãy sử dụng khăn lau tay hoặc gel rửa tay diệt khuẩn.



  • Khử trùng các khu vực sinh hoạt chung. Nên có thói quen lau dọn các khu vực và bề mặt tiếp xúc chung bằng xà bông và nước, sau đó khử trùng với dung dịch thuốc tẩy clo pha loãng. Các nhà trẻ nên tuân thủ nghiêm ngặt về việc làm sạch và khử trùng tất cả các khu vực chung, bao gồm các đồ dùng sinh hoạt như đồ chơi, bởi vì virus có thể sống trên các vật dụng này trong nhiều ngày. Làm sạch núm vú giả của trẻ thường xuyên là điều cần thiết.

  • Dạy trẻ giữ vệ sinh tốt. Hãy dạy cho trẻ biết cách thực hành vệ sinh tốt và giữ cho bản thân được sạch sẽ. Giải thích với trẻ về lí do không nên đưa ngón tay, bàn tay hoặc bất kỳ vật gì vào trong miệng.

  • Cách ly trẻ nhiễm bệnh. Vì bệnh tay chân miệng rất dễ lây, trẻ bị bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác trong khi có các dấu hiệu và triệu chứng. Cần cho trẻ nghỉ học, cách ly trẻ tại nhà cho đến khi hết sốt và lành hẳn các vết loét ở miệng. Nếu bạn bị ốm, hãy xin nghỉ việc ở nhà cho đến khi phục hồi.