Lợi ích của tiêm vắc xin cho trẻ


Tại sao cần chủng ngừa cho trẻ?

  • Trẻ dưới 5 tuổi hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện

  • Trẻ tiếp xúc không chọn lọc dễ lây lan bệnh, nhất là những nơi như nhà trẻ, trường học

  • Một số bệnh có nguy cơ ngày càng gia tăng: H1N1,H5N1

  • Một số bệnh khả năng giải quyết của y học hiện đại còn hạn chế.


Trước khi vắc xin tiêm chủng được phát minh đã có rất nhiều trẻ em bị tử vong bởi bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, viêm màng não, viêm não Nhật Bản… Từ khi khoa học tìm ra được vắc xin, các tác nhân gây bệnh ở trẻ dù không mất hẳn đi nhưng trẻ lại được bảo vệ tốt hơn và tránh được nhiều bệnh tật tấn công hơn.

2. Tiêm phòng là cách để cha mẹ bảo vệ con khỏi những tác nhân gây bệnh



Tiêm vắc xin mặc dù không thể bảo vệ trẻ tránh được bệnh tật hoàn toàn nhưng nó được đánh giá là phương pháp tốt nhất giúp giảm thiểu các bệnh nguy hiểm ở trẻ. Tiêm phòng là cách để cha mẹ bảo vệ con khỏi những tác nhân gây bệnh, phòng ngừa bệnh tật và giảm thiểu mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh tật ở trẻ em.

Trong trường hợp, khi trẻ đã tiêm phòng nhưng vẫn bị bệnh thì bệnh sẽ nhẹ hơn và tránh được nguy hiểm cho con. Hơn nữa, các bác sĩ cũng sẽ có phác đồ điều trị hiệu quả và trẻ sẽ nhanh chóng phục hồi hơn.

Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu quanh năm ẩm ướt tạo môi trường cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi phát triển và gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mọi người. Vì thế, tiêm vắc xin phòng bệnh là điều mà cha mẹ cần thiết phải làm để bảo vệ con khỏi bệnh tật.

3. Nên cho trẻ tiêm phòng những bệnh gì?

Hiện nay, ở nước ta đã có vắc xin phòng ngừa cho trên 20 căn bệnh truyền nhiễm. Và trong số đó đáng kể hơn cả là chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, lao, viêm gan siêu vi B. Ngoài ra, chương trình còn áp dụng tiêm phòng miễn phí cho bệnh thương hàn, viêm não Nhật Bản B và tả…
Bên cạnh đó, còn có những vắc xin phòng các bệnh khác rất cần thiết đối với trẻ em như: Vắc xin phòng viêm não, viêm màng não mủ do vi trùng, viêm màng não nước trong do virus, viêm màng não mô cầu type A+C, viêm gan A, B, thủy đậu, trái rạ, cúm A, quai bị, rubella, dại...

Tùy thuộc vào từng bệnh khác nhau mà thời gian tiêm phòng cũng như khoảng cách giữa hai lần tiêm cũng khác nhau. Cha mẹ nên đến cơ sở y tế để tìm hiểu thêm thông tin và được tư vấn để có thể tiêm phòng đúng thời hạn và lịch trình cho con.

4. Cần cho trẻ tiêm đúng hẹn, đúng lịch

Theo các chuyên gia, đa số trường hợp trẻ đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh là do trẻ không được tiêm đúng hẹn và đủ liều. Để giảm tình trạng đã tiêm vắc xin rồi mà vẫn bị mắc bệnh, cần cho trẻ tiêm đầy đủ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Trẻ em nếu được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch trình, hiệu quả ngừa bệnh đạt tới 90%. Riêng với trẻ sơ sinh khả năng phòng bệnh cao hơn rất nhiều.

Như vậy tiêm phòng có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và sự phát thể chất của trẻ. Việc cho trẻ tiêm phòng đầy đủ là điều mà cha mẹ nên làm cho em bé của mình.

5. Tại sao cần tiêm nhắc lại?

Theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể có khi giảm dần và thấp dưới ngưỡng bảo vệ cơ thể, làm trẻ có khả năng mắc bệnh dù đã tiêm chủng. Liều tiêm vắc xin nhắc lại giúp gợi lại trí nhớ miễn dịch để cơ thể sản xuất ra đủ lượng kháng thể làm tăng hiệu quả và tác dụng của vắc xin.

Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ có hiệu quả với các vaccin đã tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với các vaccin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau đó phải coi như là tiêm mới. Ngược lại một số vaccin có miễn dịch bền vững trong nhiều năm như vaccin sởi thì việc tiêm các mũi vaccin bổ sung lại nhằm mục đích chủ yếu là tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các hoạt động tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.

6. Các mũi cần tiêm nhắc lại:

Nhiều loại vaccin cần được tiêm nhắc lại như vaccin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu... các vaccin này tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên sau chỉ một mũi tiêm nhắc, sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao.
Các vaccin cần được tiêm chủng hằng năm gồm các vaccin phòng bệnh cúm, tả hoặc 2-3 năm tiêm lại một lần như các loại vaccin Polysacharid không có cộng hợp phòng các bệnh thương hàn, phế cầu. Đây là các vaccin có thời gian bảo vệ ngắn hoặc không tạo được trí nhớ miễn dịch sau các liều tiêm trước.

Các vaccin cần được tiêm các liều bổ sung sau mũi tiêm đầu gồm vaccin sởi, Rubella, quai bị. Đây là các vaccin tạo được miễn dịch bền vững song có một tỉ lệ không nhỏ từ 10-20% trẻ em không tạo được miễn dịch bảo vệ sau mũi tiêm đầu hoặc không được tiêm trước đó.