Trào ngược thường liên quan đến sự phát triển non nớt của hệ thống tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Một số trẻ có các triệu chứng cải thiện khi được sáu tháng tuổi và thông thường sẽ biến mất khi bé được một tuổi, đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn. Điều trị trào ngược tập trung chủ yếu vào việc làm giảm sự khó chịu của trẻ cho đến khi hệ tiêu hóa trưởng thành và các triệu chứng biến mất.
Chẩn đoán
Chẩn đoán thường được thực hiện dựa trên lời kể của cha mẹ về biểu hiện của trẻ. Các dấu hiệu này có thể khác nhau giữa các bé vì vậy cha mẹ và bác sĩ cần có cái nhìn toàn diện để quyết định xem trào ngược có là nguyên nhân gây ra sự khó chịu ở trẻ. Triệu chứng và biến chứng của GER bao gồm:
- Đột nhiên quấy khóc,
- Có biểu hiện đau rõ rệt,
- Bỏ bú, hoặc bú liên tục,
- Nôn trớ hoặc nôn mửa thường xuyên,
Nôn sau ăn hoặc bú vài giờ,
- Chậm tăng cân,
- Ngủ kém,
- Nuốt khó,
- Ngạt thở hoặc nghẹn,
- Họng thường xuyên sưng đỏ,
- Thường xuyên ợ hơi hoặc nấc cục,
- Có các vấn đề hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, thở khò khè, thở dốc, viêm phổi, và ngưng thở.
Tại sao trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?
Phần lớn trẻ sơ sinh bị trào ngược thường không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, một số trẻ có nhiều khả năng mắc chứng này nhiều hơn các bé khác. Trẻ thiếu tháng thường được chẩn đoán GER kèm các tình trạng khác do sinh non. Một số trẻ có các bệnh lý - chẳng hạn như những bất thường về thần kinh-cơ, xơ nang, hen suyễn hay các vấn đề về phổi khác - cũng thường bị trào ngược. Nhiều trẻ cần được theo dõi ngưng thở vì chúng có nguy cơ mắc Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) khi bị trào ngược.
Điều trị
Cha mẹ có thể cân nhắc một số lựa chọn điều trị cho trẻ khi bị trào ngược. Bạn nên đặt trẻ ở tư thế nâng cao đầu sau bữa bú hoặc ăn. Làm đặc thức ăn của trẻ với ngũ cốc thường được khuyến cáo cho cả trẻ nhỏ. Các bác sĩ có thể gợi ý một số loại thực phẩm nhất định cần hạn chế trong khẩu phần ăn của người mẹ để bảo vệ trẻ không bị trào ngược. Nếu những biện pháp trên không giúp cải thiện tình trạng của trẻ hoặc trẻ vẫn tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, bước tiếp theo là cần cung cấp thuốc nhằm làm giảm acid và làm trống dạ dày nhanh hơn. Phẫu thuật sẽ là biện pháp cuối cùng khi trẻ không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và có những biến chứng nguy hiểm của GER.
Phòng ngừa
- Cho trẻ bú ở tư thế thẳng sao cho đầu của trẻ cao hơn dạ dày.
- Sau khi cho bé bú, bế bé thẳng đứng hoặc để trẻ đứng chơi trong vòng ít nhất 30 phút. Điều này sẽ tạo ra trọng lực kéo thức ăn và sữa xuống dạ dày, từ đó trẻ sẽ không bị GER.
Tránh đặt trẻ nằm đầu bằng xuống giường ngay vì tư thế nằm này dễ làm những chất trong dạ dày trở ngược lên thực quản.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tránh cho trẻ bú quá nhiều - nếu bé nôn, nên đợi đến cử bú sau hãy cho bé bú tiếp thay vì cho bú ngay. Bạn cần hỏi thêm các bác sĩ về nhu cầu lượng sữa thích hợp cho trẻ.
- Xem xét việc cho trẻ bú núm vú giả (hoặc ngón tay sạch của mẹ), động tác nuốt có thể giúp bé ổn định tình trạng trào ngược. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kì mối lo lắng nào.
- Tránh đu đưa trẻ quá mạnh, nhất là sau khi bú. Bạn cũng cần nhắc nhở cả gia đình và bạn bè về vấn đề này.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ giữ trẻ ở tư thế thẳng hoặc làm dịu cơn trào ngược, chẳng hạn như dây đai đeo hoặc võng tự động. Không bao giờ rời mắt khỏi trẻ hoặc để trẻ ngủ thiếp đi mà không được giám sát.
- Khi bạn thay tã cho bé, cố gắng tránh để chân bé bị nâng lên cao. Hãy để bé nghiêng sang một bên và nếu có thể, hãy thay trước khi cho bé bú.
- Tránh cho trẻ mặc các loại quần bó chẳng hạn như tã lót hoặc quần thun quá chật.
- Một vài loại sữa công thức như sữa đặc có thể đem lại hiệu quả cho một số bé bị trào ngược, đặc biệt là những trẻ nôn mửa. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn sản phẩm sữa.
- Nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn, bú các loại sữa không gây dị ứng trong vòng hai tuần có thể hữu ích đối với những trẻ bú bình. Nếu bé bú mẹ, bạn có thể loại bỏ một số thực phẩm trong khẩu phần ăn của người mẹ, ví dụ như sữa bò hay đậu nành. Tìm kiếm lời khuyên của một chuyên gia dinh dưỡng là điều cần thiết.
- Bạn có thể làm giảm và ngăn ngừa GER cho trẻ bằng cách làm cho bé ợ thường xuyên. Bạn nên giúp bé ợ hơi sau mỗi 30 đến 60 ml thức ăn hoặc sau khi đã bú một bên vú xong.
- Chia nhỏ bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa, cố gắng không để trẻ ăn quá no khiến dạ dày bị căng dẫn đến dễ trào ngược.
- Mát-xa cho trẻ sơ sinh là một cách tuyệt vời để tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và bé. Nó cũng giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi bị đau bụng và trào ngược. Tìm hiểu về các cách xoa bóp cho trẻ để đạt được hiệu quả tối đa.
Nếu đang cho con bú, hãy tránh ăn một số thực phẩn có thể đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến bé. Một vài loại thức ăn có thể ảnh hưởng đến việc bé bị trào ngược là những loại thực phẩm có nhiều gia vị, trái cây có múi, cà chua và thực phẩm có tính axit khác, thức ăn béo và caffeine.
- Nếu con bạn dưới 12 tháng tuổi, việc nâng đầu giường nhằm làm giảm trào ngược chưa có bằng chứng từ các nghiên cứu. Tuy nhiên, phương pháp này đã được chứng minh có thể hữu ích đối với trẻ trên 12 tháng tuổi.