Tay lạnh bất thường – cảnh báo bệnh nguy hiểm


Tay lạnh có thể đơn giản là một tình trạng thường gặp do môi trường lạnh hoặc khi bạn cầm vật lạnh. Nhưng nếu tay bạn bị lạnh thường xuyên, liên tục, hoặc sau một yếu tố khởi phát cụ thể, bạn có thể có một vấn đề tiềm ẩn về sức khoẻ.

Nguyên nhân thường gặp

  1. Bệnh thiếu máu. Thiếu máu là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra bàn tay lạnh bất thường. Thiếu máu là một thuật ngữ chung mô tả tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy tới tất cả các bộ phận của cơ thể. Các triệu chứng thiếu máu bao gồm yếu mệt, da nhợt nhạt, nhịp tim nhanh có thể không đều, khó thở, chóng mặt, choáng váng, và tay chân lạnh.


Hầu hết thiếu máu có thể được chẩn đoán bằng một xét nghiệm máu hoặc một loạt các xét nghiệm máu và đa số đều có thể điều trị được. Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ hemoglobin và hematocrit trong máu của bạn.

Nếu bạn có bàn tay lạnh bất thường kèm theo bất kỳ triệu chứng nào vừa liệt kê, hãy gọi ngay bác sĩ và cho họ biết về các triệu chứng của bạn.

  1. Bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường là một tình trạng mà lượng đường trong máu không được điều chỉnh tốt. Ở người bị tiểu đường, đường trong máu có thể tăng rất cao (tăng đường huyết) hoặc rất thấp (hạ đường huyết). Tay lạnh bất thường hoặc quá mức thường là dấu hiệu của hạ đường huyết.


Các triệu chứng thông thường cho bệnh tiểu đường bao gồm đi tiểu thường xuyên, cảm thấy khát hoặc đói, mệt mỏi, chậm lành vết thương (nếu có), nhìn mờ, sụt cân không giải thích được, đau hoặc tê tay. Nếu bạn không được chẩn đoán bệnh tiểu đường nhưng có những triệu chứng này, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ về các xét nghiệm như mức đường huyết đói hoặc HBA1C.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có bàn tay lạnh bất thường.

  1. Bỏng lạnh. Bỏng lạnh độ 1 được đặc trưng bởi da lạnh và đỏ kèm cảm giác kiến bò hay bứt rứt như kim châm. Đối với bỏng lạnh độ 2, da bắt đầu tái đi và chuyển sang màu trắng hoặc màu nhạt.


Bỏng lạnh độ 1 có thể được ngăn ngừa bằng cách loại bỏ tác nhân và làm ấm. Loại này không làm tổn thương da vĩnh viễn.

  • Với bỏng lạnh độ 2, khi vùng da tổn thương được làm ấm lại có thể sẽ xuất hiện các vết phồng rộp và các mô chết có màu đen, xanh hoặc xám đậm (bị thối). Bỏng lạnh này có thể gây tổn thương da vĩnh viễn, vì vậy nếu bạn nghi ngờ bị bỏng lạnh độ 2, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.



  1. Bệnh Buerger. Bệnh Buerger còn được gọi là Viêm thuyên tắc mạch máu. Đây là một bệnh hiếm gặp, trong đó các động mạch, tĩnh mạch ở cẳng tay, cẳng chân, bàn tay và bàn chân bị viêm, sưng, và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông. Các triệu chứng bao gồm đau và yếu ở tay và chân, đặc biệt là khi vận động. Ngón tay và ngón chân có thể chuyển thành màu trắng hoặc xanh nhạt, thậm chí có thể cảm thấy đau khi tiếp xúc với lạnh và cần nhiều thời gian để làm ấm.


Bệnh gần như luôn liên quan đến việc hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

  1. Bệnh Lupus hệ thống. Lupus là một bệnh tự miễn và viêm mạn tính, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi. Nhiều trường hợp có phát ban đỏ và sần sùi trên da mặt, kéo dài từ sống mũi đến má, giống như hình cánh bướm.




Người bệnh cũng có thể bị đau, sưng và cứng khớp, kèm theo ngón tay và ngón chân chuyển sang màu xanh khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc trong giai đoạn căng thẳng. Các triệu chứng khác bao gồm khó thở, khô mắt, mệt mỏi, và sốt.

Chẩn đoán có thể khó khăn và thường đòi hỏi nhiều xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, nghiên cứu hình ảnh, và sinh thiết các cơ quan hoặc mô có liên quan.

  1. Bệnh Raynaud. Bệnh Raynaud thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và làm cho tay chân cảm thấy tê lạnh bất thường. Đó là tình trạng các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân bị co thắt khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc bị stress.


Không có xét nghiệm đơn thuần nào có thể giúp chẩn đoán bệnh Raynaud. Thông thường nó là một chẩn đoán loại trừ, có nghĩa là sau khi tất cả các rối loạn khác đã được loại bỏ, bệnh Raynaud sẽ là chẩn đoán được nghĩ tới.

Điều trị cho hiện tượng Raynaud có thể bao gồm giáo dục bệnh nhân các biện pháp để duy trì nhiệt độ cơ thể, liệu pháp dược lý với thuốc chẹn kênh calci, và liệu pháp hành vi. Bác sĩ có thể kê toa các dạng phóng thích chậm hoặc có tác dụng kéo dài như nifedipine hoặc amlodipin.

Tác dụng phụ liên quan đến thuốc chẹn kênh calci bao gồm nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng, nhịp tim nhanh và sưng tấy.

  1. Bệnh xơ cứng bì. Xơ cứng bì là một rối loạn hiếm gặp, trong đó da và các mô liên kết cứng lại và thắt chặt. Một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh là tê lạnh ngón tay và ngón chân do nhiệt độ thấp hoặc khi căng thẳng. Các triệu chứng khác bao gồm các vùng da bị cứng và thắt chặt, ợ nóng, khó hấp thụ và thiếu hụt các chất dinh dưỡng, hiếm gặp hơn, bệnh có thể ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng như tim, phổi và thận.


Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ một số kháng thể do hệ thống miễn dịch tạo ra. Người bệnh cũng sẽ được lấy một mẫu nhỏ ở phần da bị ảnh hưởng để kiểm tra những bất thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm về hô hấp (kiểm tra chức năng phổi), chụp CT phổi và siêu âm tim để hỗ trợ chẩn đoán.