Loại bỏ sỏi thận:
- Uống nhiều nước và các chất lỏng khác.
Uống nhiều các loại chất lỏng sẽ giúp cho nước tiểu của bạn ít bị cô đặc và giảm nguy cơ gây sỏi thận. Nước lọc là tốt nhất trong số đó.

Viện Y học khuyến cáo rằng nữ giới nên uống khoảng 9 ly (2.2 lít) chất lỏng mỗi ngày. Còn nam giới nên uống khoảng 13 ly (3 lít) chất lỏng mỗi ngày.
Uống đủ nước sao cho nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt hoặc vàng trong. Đây là một dấu hiệu cho thấy bạn đã uống đủ lượng chất lỏng cần thiết.
- Uống nước chanh, nước cam, hoặc nước trái cây việt quất.
Bạn nên tìm những loại ít đường, hoặc tự làm cho chính mình. Chanh, cam và việt quất có nồng độ cao axit xitric, giúp ngăn ngừa các tinh thể tăng kích thước và hình thành sỏi thận.
Tránh các loại bia đen. Những loại bia này có chứa oxalat, có thể góp phần tạo nên sỏi thận trong tương lai.
- Dùng thuốc giảm đau, nếu cần.
Dùng NSAID, hay còn gọi là thuốc chống viêm không steroid. NSAIDs có nhiều dạng khác nhau: ibuprofen, naproxen, hoặc aspirin là tất cả các NSAID thường được sử dụng. Nếu bạn dưới 18 tuổi, không dùng aspirin, vì nó có liên quan đến một căn bệnh nguy hiểm gọi là Hội chứng Reye, gây tổn thương não nghiêm trọng.

Nếu bạn có một sỏi thận lớn và gây đau, bạn có thể cần phải dùng đến thuốc giảm đau có kê toa từ bác sĩ.
- Biết thời điểm cần gặp bác sĩ.
Hầu hết sỏi thận sẽ được đào thải trong một khoảng thời gian bằng việc uống nhiều chất lỏng. Trong đó, có khoảng 15% trường hợp sẽ cần sự can thiệp từ các bác sĩ. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn:
- Nhiễm trùng đường tiểu (UTIs) thường xuyên. Nhiễm trùng tiểu có thể trở nên tồi tệ hơn khi có sỏi thận.
- Đã từng cấy ghép thận, hoặc suy giảm miễn dịch, hay hiện chỉ có một thận.
- Đang mang thai. Điều trị sỏi thận trong thời kỳ mang thai thường phụ thuộc vào tam cá nguyệt của thai kỳ.
- Sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiểu. Các dấu hiệu tắc nghẽn bao gồm lượng nước tiểu giảm, tiểu đêm, và đau hông bên.
- Dùng thuốc hoặc thực hiện thủ thuật.
Nếu sỏi thận không tự đào thải qua đường tiểu, bạn có thể cần dùng đến thuốc hoặc một trong số các thủ thuật sau để loại bỏ sỏi thận.
- Tán sỏi ngoài cơ thể (SWL) là lý tưởng cho sỏi thận dưới 2 cm. Nhưng đây không phải là sự lựa chọn an toàn cho phụ nữ mang thai, vì kỹ thuật này sử dụng tia X để xác định vị trí sỏi, và có thể không đạt hiệu quả đối với sỏi kích thước lớn.

- Đối với sỏi nằm trong niệu quản, bác sĩ có thể thực hiện nội soi bằng cách đưa một camera nhỏ vào niệu quản để quan sát, sau đó chèn một túi kim loại qua bàng quang vào niệu quản, và đưa sỏi ra ngoài.

- Nếu sỏi thận có kích thước lớn (trên 2 cm) hoặc hình dạng sỏi bất thường, bác sĩ có thể thực hiện lấy sỏi qua da hoặc tán sỏi qua da. Khi bệnh nhân đã được gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường mổ nhỏ ở lưng và thực hiện tán sỏi hoặc lấy sỏi ra ngoài.

- Nếu sỏi thận là hậu quả của chứng tăng canxi niệu, nghĩa là có sự hiện diện của quá nhiều lượng canxi trong nước tiểu, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn thuốc lợi tiểu, orthophosphates, bisphosphonates hoặc hiếm hơn là các chất gắn kết canxi.
- Nếu bạn bị bệnh gout, bạn có thể được kê thuốc allopurinol.
Ngăn ngừa sỏi thận
- Tránh sử dụng đường, soda và sirô ngô.
Đường làm gián đoạn khả năng hấp thu canxi và magiê của cơ thể, từ đó làm góp phần hình thành sỏi thận. Fructose, được tìm thấy trong đường cát và sirô ngô, cũng có liên quan đến sự hình thành sỏi. Nếu bạn muốn cơ thể có một lối sống lành mạnh và tránh sỏi thận, hãy thử cắt giảm lượng đường tiêu thụ hằng ngày.
Một số loại soda có vị cam quýt, như 7UP và Sprite, chứa hàm lượng axit xitric cao. Bởi vì bạn cần tránh các loại đồ uống có đường nên soda không đường có thể là một lựa chọn tốt giúp làm tăng lượng axit xitric trong cơ thể mà không gây sỏi thận.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Tập thể dục mức độ vừa đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ sỏi thận lên đến 31%.

Dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động ưa khí nhằm tăng cường nhịp hô hấp, nhịp tim như đi bộ, chạy bộ hoặc làm vườn.
- Hạn chế protein động vật.
Protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ, làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận, đặc biệt là sỏi axit uric.
Sử dụng khoảng 170 grams (tương đương kích cỡ của lòng bàn tay hoặc bộ bài) hay ít hơn lượng protein động vật mỗi ngày để làm giảm nguy cơ hình thành các loại sỏi thận.
Thịt đỏ, thịt nội tạng, và hải sản có vỏ (như tôm, cua, sò, ốc) có hàm lượng purine cao. Purine làm tăng sản xuất axit uric trong cơ thể và có thể gây sỏi thận. Trứng và cá cũng chứa purine nhưng ít hơn so với thịt đỏ và sò ốc.
Nên thay thế protein từ các nguồn khác, chẳng hạn như sữa giàu canxi hoặc đậu. Cây đậu có chứa chất xơ và phytate, một hợp chất có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận hình thành. Nhưng hãy thận trọng với đậu nành vì chúng chứa hàm lượng cao chất oxalat.
- Cung cấp đủ canxi nhưng tránh bổ sung.
Nhiều người cho rằng sỏi canxi có thể được loại bỏ bằng cách giảm lượng canxi tiêu thụ mỗi ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn uống quá ít canxi thực sự lại làm tăng nguy cơ sỏi thận. Ăn uống đầy đủ các loại sản phẩm sữa khác nhau, như sữa, sữa chua và phô mai, để đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày của bạn.

Trẻ em từ 4 đến 8 tuổi cần 1.000mg canxi hàng ngày. Trẻ em 9-18 tuổi nên cung cấp 1.300 mg canxi mỗi ngày. Người lớn từ 19 tuổi trở lên đòi hỏi ít nhất 1.000 mg canxi hàng ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi thì cần cung cấp 1200 mg lượng canxi mỗi ngày.
Tránh bổ sung thêm canxi. Lượng canxi nhận được từ chế độ ăn của bạn không ảnh hưởng đến việc hình thành sỏi thận, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều canxi từ các chất bổ sung lại có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
- Chế độ ăn uống "ít oxalat".
Loại sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi oxalat. Tránh các loại thực phẩm giàu oxalat có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận trong tương lai. Giới hạn lượng oxalate ở mức 40 - 50mg mỗi ngày.
Nên ăn kết hợp các loại thực phẩm có chứa oxalat với thực phẩm giàu canxi. Canxi sẽ kết hợp với oxalat tại ruột và đi ra ngoài cơ thể theo đường tiêu hóa qua phân, do đó làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận từ những thực phẩm này.
Các thực phẩm giàu oxalat bao gồm các loại quả hạch, quả mọng, lúa mì, quả sung, nho, quýt, đậu, củ cải đường, cà rốt, cần tây, cà tím, cải xoăn, tỏi tây, ô liu, đậu bắp, trái ớt, khoai tây, cải bó xôi và bí xanh.
Thức uống có hàm lượng cao oxalat bao gồm bia đen, trà đen, thức uống có sô cô la, sữa đậu nành và cà phê hòa tan.
Cơ thể có khả năng chuyển hóa lượng vitamin C dư thừa- chẳng hạn như từ các chất bổ sung - thành oxalat. Vì vậy trừ khi được bác sĩ khuyên dùng, không nên bổ sung thêm vitamin C cho cơ thể.
- Tránh ăn kiêng.
Ăn kiêng làm tăng lượng acid uric trong máu và tăng nguy cơ bị sỏi thận. Các chế độ ăn kiêng với hàm lượng protein cao, như chế độ Atkins, rất có hại đối với thận và cần tránh.
Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều loại trái cây và rau quả, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cũng như hạn chế các protein không mỡ có thể là một cách tuyệt vời để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh và ngăn ngừa sỏi thận.
- Thận trọng khi bạn có tiền sử bệnh sỏi thận.
Theo các nghiên cứu, khoảng một nửa số bệnh nhân có tiền sử bị sỏi thận có nguy cơ tái phát trong vòng 7 năm đầu tiên. Hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa nếu bạn đã hoặc đang bị sỏi thận; bởi bạn sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác.