Viêm não Nhật Bản và các cách phòng ngừa


Viêm não Nhật Bản hiện nay đang có xu hướng bùng phát tại Việt Nam. Đó là bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền qua muỗi đốt làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và để lại nhiều di chứng nặng nề, đối tượng thường gặp là trẻ em dưới 15 tuổi. Vậy làm thế nào để phòng ngừa Viêm não Nhật Bản được hiệu quả, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau.

Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản

Việc chủng ngừa viêm não Nhật Bản được khuyến cáo cho bất cứ ai có nguy cơ bị nhiễm vi rút khi đi du lịch hay công tác. Tiêm phòng sẽ giúp bảo vệ cho hơn 9 trong số 10 người bị nhiễm.

Tiêm phòng là vô cùng quan trọng nếu:

  • Bạn đang đi đến một khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là vào mùa mưa.

  • Bạn đến thăm các vùng nông thôn ở một quốc gia có nguy cơ cao - chẳng hạn như ruộng lúa, đầm lầy hoặc nơi nào đó gần các trang trại lợn.

  • Bạn đang tham gia vào các hoạt động có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh - chẳng hạn như đi xe đạp hoặc cắm trại.

  • Bạn làm việc trong một phòng xét nghiệm có nhiều khả năng tiếp xúc với vi rút


Nếu bạn đang đi đến một quốc gia mà được thông báo phát hiện có viêm não Nhật Bản, hãy đến gặp các bác sĩ hoặc điều dưỡng ít nhất trong vòng sáu đến tám tuần trước khi rời khỏi, để trao đổi xem bạn có nên tiêm chủng hay không.

Vắc xin



Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: nên tiêm cho trẻ khi được 12-15 tháng tuổi, theo lịch tiêm đủ 3 mũi của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có thể tiêm nhắc sau 5 năm kể từ mũi tiêm thứ 3.

Đối với trẻ em trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Mũi tiêm nhắc sau 5 năm.

Đối với người lớn: nếu chưa từng tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản nên tiêm ngay, theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu đã từng tiêm liều cơ bản thì chỉ cần tiêm nhắc 1 mũi.

Nên tổ chức tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi thứ 2, và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ có sớm nhất 1 tuần sau vắc xin mũi thứ 3.

Liều gây miễn dịch cơ bản, tiêm đủ 3 mũi:

  • Mũi tiêm thứ 1: ngày đầu tiên đến tiêm phòng

  • Mũi tiêm thứ 2: ngày thứ 7 đến 14 cách mũi tiêm 1

  • Mũi tiêm thứ 3: cách mũi thứ 2 là 12 tháng.


Ở Anh, vắc xin viêm não Nhật Bản được cấp phép tiêm phòng cho đối tượng người lớn và trẻ em trên hai tháng tuổi. Việc chủng ngừa cần được tiêm hai liều để bảo vệ đầy đủ, với mũi thứ 2 được tiêm 28 ngày sau mũi tiêm thứ 1. Những người từ 18 đến 65 tuổi có thể được chủng ngừa theo lịch trình ngắn hơn, trong đó mũi thứ 2 được tiêm 7 ngày sau mũi tiêm thứ 1. Việc tiêm chủng phải được hoàn tất ít nhất bảy ngày trước khi có thể tiếp xúc với vi rút viêm não. Vắc xin viêm não Nhật Bản ở Anh không có trong Dịch vụ y tế quốc gia và chi phí có thể khác nhau giữa các phòng khám. Mỗi liều có thể có giá hơn 90 bảng/ người (tương đương hơn 2,676,060 VND), vì thế bạn nên dự trù ngân sách cho chuyến đi của mình. Nếu bạn tiếp tục có nguy cơ bị nhiễm virus, nên tiêm nhắc lại từ 12 đến 24 tháng sau chủng ngừa lần đầu.

Tác dụng phụ

Có đến 40% những người tiêm ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản có phản ứng phụ nhẹ và ngắn ngày, như:

  • đau nhức

  • đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm

  • đau đầu

  • đau cơ


Các phản ứng phụ nghiêm trọng hơn - như nổi ban đỏ ngứa (nổi mày đay hoặc phát ban), sưng mặt và khó thở - rất hiếm xảy ra.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào sau khi tiêm chủng, hãy đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Thận trọng

Hầu hết mọi người đều có thể tiêm phòng viêm não Nhật Bản một cách an toàn, nhưng nên báo với bác sĩ hoặc điều dưỡng trước khi tiêm chủng nếu bạn bị sốt cao, hay bạn đang mang thai hoặc cho con bú.

Việc chủng ngừa có thể cần phải hoãn lại nếu bạn bị sốt. Điều này cũng không được khuyến cáo nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, do nguy cơ về các vấn đề xảy ra liên quan đến việc chủng ngừa được truyền sang em bé.

Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thường không được khuyến cáo cho trẻ dưới hai tháng tuổi bởi vì không rõ về độ an toàn và hiệu quả đối với nhóm tuổi này.

Không nên chủng ngừa nếu bạn từng có một phản ứng dị ứng nghiêm trọng (chứng quá mẫn) ​​với vắc xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc xin trong quá khứ.

Tránh muỗi đốt



Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản không hiệu quả 100% nên bạn cần tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp phòng ngừa để tránh bị muỗi đốt khi đi du lịch hoặc ở trong các khu vực có nguy cơ cao bằng cách:

  • ngủ trong phòng đóng kín cửa sổ và cửa ra vào

  • nếu không thể ngủ trong phòng hoặc bạn đang ngủ ở ngoài, sử dụng màn chống muỗi đã được tẩm thuốc diệt muỗi, chẳng hạn như permethrin

  • phun thuốc diệt muỗi trong phòng vào buổi chiều tối để tiêu diệt muỗi

  • mặc quần áo dài tay và mang vớ dài - muỗi mang virut viêm não Nhật Bản thường hoạt động mạnh nhất vào lúc trời mờ tối và những nơi ấm, ẩm ướt

  • mặc quần áo rộng rãi, bởi vì muỗi có thể đốt xuyên qua các loại quần áo bó sát

  • bôi thuốc chống muỗi cho bất kỳ vùng da tiếp xúc nào


Thuốc chống muỗi

Có nhiều loại thuốc chống muỗi hiện có. Nhiều chất có chứa diethyltoluamide (DEET), nhưng một số có chứa dimethyl phthalate hoặc dầu khuynh diệp dành cho bạn nếu bị dị ứng với DEET.

Khi sử dụng thuốc chống muỗi, cần lưu ý:

  • không sử dụng thuốc lên vết thương hở hoặc vùng da bị kích thích

  • tránh bôi/ xịt lên mắt, miệng và tai

  • không xịt trực tiếp lên mặt – nên xịt thuốc vào mặt trong cánh tay và sau đó bôi lên mặt

  • không cho trẻ nhỏ tự sử dụng – nên bôi/ xịt lên tay bạn và sau đó thoa cho trẻ.

  • sử dụng thuốc chống muỗi sau khi đã bôi kem chống nắng

  • rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng và làm sạch da bằng nước và xà phòng khi không còn cần thiết

  • luôn tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất


Nếu bạn hoặc người thân có phản ứng với thuốc chống muỗi, ví dụ như bị đỏ, hãy ngừng sử dụng thuốc. Làm sạch vùng da và liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế địa phương nếu bạn đang ở nước ngoài.