BẢO VỆ CON BẠN KHÔNG BỊ LÂY NHIỄM VIÊM GAN B


Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh lý về gan có tính lây truyền do nhiễm vi rút viêm gan B. Khi một người bị nhiễm, vi rút này có thể ở trong cơ thể người suốt phần đời còn lại và gây ra các vấn đề nghiêm trọng lên gan.

Viêm gan B có thể lây sang trẻ sơ sinh không?

Vi rút viêm gan B có thể lây truyền sang trẻ trong quá trình sinh, dù sinh thường hay sinh mổ.

Viêm gan B có thể lây qua con đường nào khác?

Viêm gan B cũng có thể lây truyền qua đường máu, tinh dịch hoặc các dịch tiết cơ thể khác từ người bị nhiễm vào cơ thể của người không nhiễm. Vi rút này rất dễ lây và lây thông qua các vết thương trên da hoặc mô mềm như mũi, miệng và mắt.

Điều này có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm, cho dù là lượng rất nhỏ. Viêm gan B cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục.

Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?

Khi trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B, có đến 90% sẽ phát triển thành bệnh mạn tính và kéo dài suốt đời. Và có tới 1 trong số 4 người mắc viêm gan B mạn tính sẽ gặp phải những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Viêm gan B có thể gây tổn thương gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan.

Bệnh Viêm Gan B phổ biến như thế nào?

Khoảng 350 triệu người trên thế giới và 1,2 triệu người ở Hoa Kỳ đang bị nhiễm Viêm Gan B.

Bác sĩ có thể ngăn ngừa trẻ mới sinh không bị nhiễm Viêm Gan B?

Có thể. Các bé sinh ra từ thai phụ bị nhiễm viêm gan B được tiêm hai hoặc ba mũi ngay sau khi sinh. Với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính (vi rút viêm gan B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở), bé được tiêm một liều HBIG và một mũi vắc xin ngừa viêm gan B thông thường. Với mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé sẽ được tiêm hai liều HBIG và một mũi vắc xin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi tiêm này giúp ngăn ngừa trẻ mới sinh không nhiễm viêm gan B và chúng hoạt động tốt nhất khi được tiêm trong vòng 12 giờ sau khi sinh.

HBIG là gì?

HBIG (Globulin miễn dịch kháng viêm gan B) là một loại thuốc nhằm tạo miễn dịch thụ động giúp cơ thể trẻ tăng cường chống lại virus ngay khi trẻ chào đời. HBIG chỉ được tiêm cho trẻ sơ sinh từ các bà mẹ bị viêm gan B.

Trẻ cần bao nhiêu mũi chích ngừa viêm gan B?

Trẻ sẽ được tiêm 3 hoặc 4 mũi, tùy thuộc vào loại vắc xin được sử dụng. Sau khi tiêm liều đầu tiên trong bệnh viện, liều tiếp theo sẽ được tiêm ở độ tuổi 1-2 tháng tuổi. Liều cuối cùng thường được đưa ra vào thời điểm con của bạn được một tuổi. Hỏi bác sĩ hoặc y tá khi con bạn cần tiêm nhắc lại cho mỗi mũi tiêm.

Tất cả các mũi chích ngừa viêm gan B đều cần thiết để giúp cho trẻ không nhiễm Viêm gan B.



Làm thế nào để biết trẻ đã được bảo vệ hay chưa?

Sau khi tiêm tất cả các mũi chích ngừa bệnh viêm gan B, bác sĩ sẽ kiểm tra máu của trẻ. Xét nghiệm máu sẽ cho biết con bạn đã được bảo vệ hay chưa. Thử máu thường được thực hiện 1-2 tháng sau lần tiêm cuối cùng. Hãy mang trẻ quay trở lại bệnh viện để làm xét nghiệm máu quan trọng này.

Viêm gan B không lây truyền qua:

Nuôi con bằng sữa mẹ

Các bà mẹ bị nhiễm viêm gan B vẫn có thể cho con bú nếu như trẻ được tiêm đầy đủ ngay sau khi sinh. Sữa mẹ là sản phẩm hoàn hảo với nhiều chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, trong sữa còn có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại nhiều bệnh tật vì vậy các mẹ không nên bỏ qua.

Nấu ăn và ăn
Việc chuẩn bị bữa ăn và ngồi ăn cùng với nhau trong gia đình là an toàn. Viêm gan B không lây truyền khi ăn chung, dùng chung ly tách, chén dĩa.

Ôm và hôn
Bạn có thể ôm hôn em bé, người trong gia đình, hoặc những người thân khác. Ngoài ra, Viêm gan B cũng không lây truyền qua hắt hơi hoặc ho.

Làm thế nào để bảo vệ gia đình khỏi Viêm Gan B?

Xét nghiệm Viêm Gan B

Cha của trẻ và tất cả những người khác sống trong nhà bạn nên đến bác sĩ hoặc phòng khám để được xét nghiệm. Kết quả sẽ giúp các thành viên biết được họ có đang mắc viêm gan B hay không. Nếu họ không bị nhiễm, bác sĩ sẽ đề nghị thêm về việc chủng ngừa để bảo vệ họ khỏi bị nhiễm bệnh.

Che phủ vết thương
Vì viêm gan B lây truyền qua đường máu nên người bị nhiễm nên cẩn thận không để người khác chạm vào máu của họ. Điều quan trọng là không nên dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, dụng cụ móng tay, bàn chải đánh răng, hoặc máy đo đường huyết. Các vết thương nên được che phủ cho đến khi lành hẳn.

Không nhai thức ăn cho trẻ
Một lượng nhỏ máu đôi khi có thể nằm trong miệng của bạn. Không nhai thức ăn rồi mớm cho trẻ ăn để tránh lây nhiễm.