Chứng đau nửa đầu – không thể xem thường


Đau nửa đầu (còn gọi là bệnh Migraine) đặc trưng với những cơn đau nhói, thường ở một bên đầu, bị kích thích bởi các chất hoặc điều kiện cụ thể như môi trường, căng thẳng, hormon, ... Đau nửa đầu xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ (khoảng 75%) và có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người bệnh.

Triệu chứng của đau nửa đầu

Các triệu chứng bao gồm đau nhói điển hình thường xảy ra ở một bên đầu, những cơn đau này có thể khiến bạn không thể làm việc hoặc thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày. Đau đôi khi lan đến mắt, trán, hoặc thái dương và làm cho một số người gặp phải các triệu chứng buồn nôn, nôn, gặp các vấn đề về thị giác cũng như nhạy cảm dù chỉ với ánh sáng thường hay gắng sức nhẹ.



Đau nửa đầu có tiền triệu

Đau nửa đầu kinh điển là tình trạng bắt đầu với các triệu chứng báo trước như xuất hiện những thay đổi của thị giác (các chấm trước mắt, các đường lượn sóng, nhìn mờ) và thay đổi về tâm trạng (chán nản, phấn khởi, dễ bị kích thích) cũng như tăng nhạy cảm khứu giác lẫn vị giác, trong khi số khác có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi hoặc hồi hộp. Có khoảng 20% ​​người xuất hiện những tiền triệu khoảng 24 giờ trước đau đầu xảy ra.

Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Nguyên nhân thần kinh của chứng đau nửa đầu vẫn chưa được hiểu rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể là do sự kết hợp của hiện tượng thẩm thấu mạch máu và nồng độ thấp chất dẫn truyền thần kinh gây ra chứng đau nửa đầu.

Yếu tố khởi phát

Ánh sáng nhấp nháy

Cơn đau nửa đầu có thể bị khởi phát do một số yếu tố đặc biệt, thường gặp nhất là ánh sáng nhấp nháy. Ví dụ, đèn huỳnh quang bị chập điện, màn hình tivi nhanh chóng bật - tắt, hoặc ánh sáng mặt trời phản chiếu từ mặt hồ hoặc biển đều là những yếu tố khởi phát đầy tiềm năng. Đeo kính râm đúng tiêu chuẩn với ống kính phân cực cùng bộ lọc ngăn chặn tia UV khi ra ngoài và dùng bóng đèn sợi đốt trong phòng thay cho các bóng đèn huỳnh quang sẽ giúp bạn cải thiện vấn đề này.

Lo lắng và căng thẳng

Như đã đề cập, căng thẳng đôi khi là một yếu tố khởi phát cơn đau nửa đầu. Mặc dù áp lực trong cuộc sống là việc khó tránh khỏi, nhưng có thể làm giảm căng thẳng và tránh các yếu tố kích thích đau đầu bằng cách sử dụng các kỹ thuật thư giãn, thở sâu, và các liệu pháp phản hồi sinh học khác.

Thiếu ngủ hoặc ăn ít

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và ngủ đủ giấc sẽ góp phần giảm đau nửa đầu và đảm bảo sức khỏe cho não bộ. Mất ngủ, bỏ bữa hoặc thiếu nước hay thậm chí là ăn quá nhiều đều có thể gây ra chứng đau nửa đầu.

Thay đổi hormone

Nhiều cơn đau nửa đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Hormon tăng và giảm có thể khởi phát chứng đau nửa đầu ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, sự đáp ứng là khác nhau giữa mỗi người nên liệu pháp nội tiết tố có thể mang lại hiệu quả cho nhóm phụ nữ này, nhưng số khác có thể không cải thiện hoặc thậm chí làm nặng thêm các triệu chứng.

Thực phẩm gây nhức đầu

Mặc dù các nghiên cứu chưa có chứng minh nào đề cập bất kì loại thực phẩm có thể khởi phát cơn đau nửa đầu, nhưng một số thực phẩm và các thành phần sau đây có thể gây chứng đau nửa đầu được đưa ra bởi các bệnh nhân bao gồm rượu vang đỏ, pho-mát, sô-cô-la, nước tương, thịt chế biến sẵn và bột ngọt.

Tyramine

Tyramine - sản phẩm phân hủy từ amino axit ​​tyrosine, là yếu tố khởi phát chứng đau nửa đầu vì nó có thể gây co thắt và giãn nở mạch máu. Nhiều thực phẩm để lâu và lên men có liên quan đến chứng đau nửa đầu như pho mát, nước tương, dưa chua, hoặc các loại thịt lên men như xúc xích chứa tyramine.

Caffeine

Chất caffeine có trong cà phê có thể giúp giảm đau nửa đầu khi dùng với một số loại thuốc. Tuy nhiên, khi lượng caffeine trong cơ thể giảm, bệnh nhân có thể dễ bị nhức đầu hơn. Do đó, nó vừa giúp cải thiện vừa gây khó khăn cho những người bị chứng đau nửa đầu.

Điều trị

Thuốc không kê toa

Có rất nhiều loại thuốc không kê toa (OTC) giúp giảm nhanh cơn đau đầu. Phổ biến nhất là aspirin, naproxen sodium, ibuprofen và acetaminophen. Mặc dù tất cả các thuốc này có thể mang lại hiệu quả, nhưng không nên lạm dụng để tránh độc tính, loét và các vấn đề tiêu hóa khác. Ngoài ra, sử dụng quá liều và thường xuyên có thể khiến cơn đau nửa đầu trở nặng.

Đôi khi các điều trị ban đầu không giúp cải thiện triệu chứng. Nếu sau khi đã điều trị theo chỉ định từ hai đến ba lần nhưng chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc đổi thuốc. Cần đảm bảo rằng bạn uống thuốc sớm trong cơn đau, ít nhất là trong vòng 2 tiếng sau khi bạn bắt đầu bị đau nửa đầu.

Một số cơn đau đầu mạn tính là do lạm dụng thuốc, không nên dùng các thuốc kê toa nhiều hơn hai lần mỗi tuần. Các liều tấn công và duy trì nên được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Thuốc giảm đau gây ngủ được xem là phương pháp cuối cùng cho chứng đau nửa đầu vì chúng có thể gây nghiện.

Thuốc phòng ngừa

Nếu chứng đau nửa đầu xảy ra thường xuyên và trầm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để phòng ngừa bùng phát các cơn đau. Các loại thuốc điều trị cao huyết áp hoặc chống động kinh có thể được sử dụng bao gồm Timolol (Blocadren), Divalproex sodium (Depakote), Propranolol (Inderal) và Topiramate (Topamax).

Liệu pháp thay thế

Phản hồi sinh học: Một số phương pháp khác có thể giúp cải thiện hoặc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu như các liệu pháp phản hồi sinh học với tác dụng làm giảm các yếu tố khởi phát cơn đau nửa đầu như căng thẳng cũng như các triệu chứng sớm như căng cơ.



Châm cứu: Là một phương pháp của y học Trung Quốc, sử dụng những cây kim châm vào các huyệt đạo trên cơ thể để lấy lại sự cân bằng năng lượng. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu sẽ kích thích não giải phóng ra các chất hóa học giúp giảm đau. Tuy nghiên, hiệu quả của châm cứu đối với các triệu chứng đau nửa đầu vẫn còn nhiều tranh cãi; nhưng vì phương pháp này đạt hiệu quả trên một số bệnh nhân nên cần được xem xét.

Khi nào bạn cần hỗ trợ

Hầu hết mọi người đều nắm được tình trạng đau nửa đầu của mình (yếu tố khởi phát, triệu chứng báo trước và cường độ cơn đau). Tuy nhiên, những cơn đau đầu mới, ở những người có hoặc không có tiền sử đau nửa đầu, kéo dài khoảng 2 ngày hoặc nhiều hơn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu bùng phát kèm theo các triệu chứng khác như sốt, cổ cứng, lú lẫn, tê liệt, bạn hoặc người thân, bạn bè hay người chăm sóc của bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức.