Hiến máu nhân đạo – Những điều cần biết


Ý nghĩa của việc Hiến máu

Máu được hiến tặng có thể giúp hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh nhân bị ung thư, rối loạn chảy máu, thiếu máu mạn tính có liên quan đến ung thư, thiếu máu hồng cầu liềm và các bất thường máu di truyền khác. Chúng ta biết rằng máu của con người không một nhà máy nào có thể sản xuất được, con người là nguồn máu duy nhất và đó là lý do tại sao việc hiến máu và giúp đỡ những người cần nó là điều quan trọng. Hiến máu còn giúp dự trữ máu cho chính người hiến trong tương lai khi có nhu cầu.

Một cuộc khám sức khoẻ nhỏ nhằm kiểm tra các bệnh liên quan đến huyết áp và truyền nhiễm nên được tiến hành trước khi bắt đầu lấy máu. Những đối tượng có các tình trạng bệnh lý như AIDS hay viêm gan không nên hiến máu. Những người đã tiêm phòng hoặc trải qua bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, hoặc mắc các bệnh ung thư, tiểu đường, cảm lạnh và cúm nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần được sự đồng ý của các bác sĩ trước khi cho máu.



Lợi ích sức khoẻ của Hiến máu

Hiến máu không chỉ giúp cuộc sống của người nhận được tốt mà còn mang lại nhiều lợi ích cho những người hiến tặng. Lợi ích sức khoẻ của việc hiến máu bao gồm duy trì sức khoẻ tốt, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và chứng rối loạn do quá tải sắt (hemochromatosis). Ngoài ra, nó giúp giảm nguy cơ tổn thương gan và tụy. Hiến máu còn giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch và giảm béo phì.

  1. Ngăn ngừa chứng rối loạn do quá tải sắt (Hemochromatosis)


Chứng rối loạn do quá tải sắt là một tình trạng bệnh lý xảy ra do sự hấp thụ sắt quá mức của cơ thể. Nguyên nhân có thể là do di truyền hoặc do nghiện rượu, thiếu máu hoặc các rối loạn khác. Việc hiến máu đều đặn có thể giúp làm giảm tình trạng thừa sắt trong cơ thể.

  1. Lợi ích chống ung thư


Hiến máu cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Bằng cách hiến máu, lượng sắt tích tụ trong cơ thể sẽ được duy trì ở mức khỏe mạnh. Nếu lượng sắt trong máu vượt quá một giới hạn nhất định nó có thể kích thích sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể, làm thay đổi tế bào, phá vỡ chức năng tế bào bình thường, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

  1. Duy trì trái tim và lá gan được khỏe mạnh


Hiến máu đem lại lợi ích trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gan do tình trạng quá tải sắt trong cơ thể. Chế độ ăn giàu sắt làm tăng nồng độ sắt trong máu trong khi cơ thể chỉ hấp thu ở một giới hạn nhất định, lượng sắt thừa sẽ tích trữ trong tim, gan, và tuyến tụy. Điều này làm tăng nguy cơ xơ gan, suy gan, tổn thương tụy, và các bất thường tim như loạn nhịp tim. Hiến máu giúp cân bằng nồng độ sắt và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.

  1. Giảm béo phì


Hiến máu đều đặn có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Đối tượng thích hợp là những người béo phì và có nguy cơ cao bệnh tim mạch cũng như các rối loạn khác. Tuy nhiên, hiến máu không nên xảy ra thường xuyên và bạn cần trao đổi thêm với các ​​bác sĩ trước khi hiến máu để tránh các vấn đề về sức khoẻ.

  1. Kích thích sản xuất tế bào máu


Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ làm việc để bổ sung lượng máu đã mất. Điều này kích thích việc sản xuất các tế bào máu mới và nhờ đó, các tế bào mới sẽ luân phiên giúp duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh.



Cần chuẩn bị gì khi hiến máu?

Tốt nhất là nên lập kế hoạch trước khi hiến máu. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn đang có vấn đề về sức khoẻ. Ngoài ra, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh trước đợt hiến máu một tuần. Trước ngày hiến máu, nên bổ sung nước đầy đủ và không được sử dụng đồ uống có cồn. Mặc trang phục thoải mái, không mặc quần áo quá chật quá bó khi hiến máu. Trong trường hợp bạn đang điều trị bằng thuốc, cần thông báo cho ngân hàng máu, phòng khám hoặc bệnh viện máu - nơi bạn đang hiến máu.

Khoảng cách giữa các lần hiến máu

Bạn cần đợi 56 ngày hoặc 8 tuần giữa các lần hiến máu. Tránh hiến máu nếu bạn đang có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, và hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi hiến máu

Lượng máu có thể hiến tặng

Bạn có thể hiến tặng một đơn vị (250 ml máu) hoặc 350 ml máu mỗi 8 tuần. Các tổ chức như Hội Chữ Thập Đỏ sẽ tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo để mọi người có thể tham gia. Bạn cũng có thể hiến máu tại bất kỳ bệnh viện nào.

Điều kiện để hiến máu

Người từ 18-60 tuổi và cân nặng trên 45 kg đều có thể hiến máu. Bất cứ người khỏe mạnh nào cũng có thể hiến máu sau khoảng thời gian tồi thiểu là 56 ngày. Thời gian này sẽ giúp bổ sung lượng máu đã mất trong lần hiến máu trước.

Đối tượng không nên hiến máu

Các cá nhân dưới 18 tuổi và trên 60 tuổi và có cân nặng dưới 45 kg không thể hiến máu. Đối tượng bị nhiễm trùng tiến triển, nhiễm trùng cấp tính hoặc mắc các bệnh như HIV, AIDS không nên hiến máu. Bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ và thông báo về tiền sử bệnh lý trước khi tham gia hiến máu.