Alzheimer – hiểu để cảm thông.



Trong suốt cuộc đời con người sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng bệnh dẫn đến hệ lụy na ná nhau... Y học gọi đó là “Hội chứng” và “Hội chứng suy giảm trí nhớ” là một trong số đó. Có nhiều bệnh dẫn đến hội chứng này và một trong những bệnh ấy có tên là Alzheimer.


Chúng mình hãy để ý, ông, bà, cha, mẹ đa phần càng già sẽ càng trở nên khó tính, dễ nổi cáu, hay hờn dỗi... Có thể nguyên nhân là do tính cách của họ trước nay vẫn vậy, nhưng cũng rất có thể họ đang bị Alzheimer âm thầm tấn công...

Alzheimer là một căn bệnh, không phải là phần bình thường của sự lão hóa. Nói như thế để chúng mình đừng nhầm Alzheimer và hiện tượng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già. Đáng tiếc thay, Y học cũng có giới hạn của nó – Alzheimer hiện nay chưa có thuốc chữa và nó từ đâu đến vẫn là một điều bí ẩn của nhân loại.

Não bộ con người giống như Ổ cứng máy tính, nếu lão hóa bình thường thì máy tính con người sẽ hoạt động chậm dần nhưng vấn hoạt động được các chức năng căn bản nhất. Nhưng khi Alzheimer xuất hiện thì các tế bào lưu trữ thông tin trong não lần lượt sập nguồn đột ngột, kèm theo đó là các protein bất thường bắt đầu xuất hiện gây “bẩn” và “nghẹt” việc truyền tải thông tin cũng như dưỡng chất nuôi não.

Alzheimer biến ổ cứng não bộ người bệnh bị bấy nhầy bởi file rác, nấm mốc nhanh chóng. Tế bào thần kinh mà không còn làm việc thì não bây giờ như điện thoại hết pin – đúng nghĩa là một đống đậu hũ. Hoàn toàn vô nghĩa.

1. Giai đoạn đầu:
Khó nhớ các sự kiện dù mới xảy ra gần đây, chat với người khác qua facebook một hồi không nhớ mới chat cái gì, đang định nói cái gì đó tự nhiên quên mất và việc này được lặp đi lặp lại. Kể cho người yêu nghe về cái gì đó rất hào hứng, sáng mai kể lại y chang :)) Đôi khi mở tủ lạnh ra, quên mất định lấy cái gì... Rất hay cáu gắt với người khác và với chính bản thân mình.

2. Giai đoạn giữa:
Máu nóng tính nổi lên vô cớ thật sự. Lúc này sự tức giận, tính đa nghi, phản ứng dữ dội khi gặp khó khăn và hoang tưởng (luôn nghi ngờ người khác ăn cắp của mình, cứ ở nhà một mình tưởng tượng ra chồng/vợ đang chịch xã giao với người khác).
Giai đoạn này người bệnh thích kiểu nói chuyện “tuyên bố”, yêu cầu người khác phải tuân theo chuẩn mực nào đó và luôn lặp đi lặp lại điều này. Một số người sợ hoàng hôn, sợ ở một mình và cứ trời tối là nghĩ linh tinh. Hành vi tình dục bất thường, nóng nảy, cáu kỉnh với mọi người xung quanh khi bị trái ý dù là việc rất nhỏ. Người bệnh không còn ngon miệng khi ăn uống dẫn đến sức khỏe suy giảm.
Diễn tiến nữa là dễ lạc đường dù đó là con đường quen thuộc, đọc sách một hồi tự nhiên thấy chữ quốc ngữ nó lạ vcl, dường như không còn khái quát hóa các sự việc được nữa, quên mặt những người quen cũ. Lúc này đã bắt đầu có hiện tượng khó phối hợp các động tác tay – chân nên dễ mất thăng bằng.

3. Giai đoạn cuối:
Đoạn này chắc không nói cũng dễ đoán, người bệnh lúc này như máy tính bị treo. Hoàn toàn mất nhận thức, “gặp ai cũng mừng gặp ai cũng cười”. Chắc không cần miêu tả thêm.

Làm gì khi người thân có dấu hiệu Alzheimer?
Trên đời này mọi thứ đều hên – xui, chỉ có cái chết là điều chắc chắn. Đức Phật dạy chúng ta Tứ Diệu đế, tức là Người đang nói về Khổ và Con đường diệt khổ. Hơn hết thảy, người dạy cho chúng ta về quy luật và chấp nhận quy luật.

Ai rồi cũng chết nhưng được chết khi về già là điều hạnh phúc.

Một người mắc Alzheimer không có nghĩa là họ xứng đáng phải chết ngay. Sự tiến triển của bệnh sẽ dần dần, cung cấp thời gian cho chúng ta những người con – cháu có thêm thời gian để chia sẻ, gần gũi, yêu thương. Thế gian này ai chẳng mang án tử hình, khác nhau chút đỉnh thời gian thôi mà.

Bệnh Alzheimer không có thuốc chữa nhưng nếu bệnh nhân sống giữa sự cảm thông thì diễn tiến bệnh sẽ chậm hơn hoặc ít ra người bệnh sẽ không “phát điên” lên vì sự vô cảm của những người thương yêu. Như Anh Ba đã nói, người bệnh Alzheimer sợ nhất là sự “cô đơn”. Điều đó lý giải nhiều người già bỗng nhiên đổi tính cách. Hở tí là hờn dỗi, trách móc dù con cháu không làm gì sai cả. Chỉ cần con trai cưng nói một câu phật lòng, hoặc con gái cưng bỏ mình đi chơi với bạn là có thể khiến bệnh nhân rưng rưng nước mắt tủi thân.

Cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc người già nói chung và người bệnh Alzheimer thường được giao phó cho người giúp việc. Lâu dần, người già mất luôn cảm xúc – điều này vô cùng nguy hiểm với bệnh nhân Alzheimer.
Nói thì dễ, làm thì khó... vì vậy chăm sóc bệnh nhân Alzheimer đòi hỏi sự kiên trì vô biên của người nhà bệnh nhân. Bao nhiêu yêu thương đều chưa đủ, một chút cáu gắt thôi đã là thừa.

Khi người thân có dấu hiệu thuộc các giai đoạn Anh Ba nói ở trên, vui lòng bớt thời gian đưa đi thăm khám chuyên khoa thần kinh để bác sĩ bao quát được những gì đang diễn ra bên trong cơ thể người bệnh. Phương thuốc xoa dịu nỗi đau Alzheimer duy nhất hiện nay chỉ gói gọn trong 2 chữ “tình yêu”, gia đình là bệnh viện tốt nhất của người bệnh Alzheimer.

Ở các nước phát triển, người ta đã mở các lớp cho người trẻ học cách chăm sóc người lớn tuổi trong gia đình một cách bài bản và khoa học. Ở Việt Nam, Anh Ba chưa thấy hoặc nếu có chắc cũng chưa phổ biến.
Những bạn trẻ đọc được bài viết này của Anh Ba thì ít nhất cũng đã tiếp cận được Internet, hãy dành một chút thời gian tìm thêm tài liệu dạy về kỹ năng chăm sóc người già trong gia đình. Cha mẹ sinh chúng mình ra, dường như mấy mươi năm qua điều duy nhất chúng ta làm tốt là việc chúng ta lớn lên. Đã bao giờ các em nghiêm túc học “cách làm con, cháu” thật sự chưa? Chưa đúng không? Chưa thì bây giờ phải học.

Đừng nghĩ bỏ tiền ra phụng dưỡng là xong. Ngày nay người ta coi hiếu là có thể nuôi cha mẹ, nhưng đến chó, mèo người ta cũng nuôi, nếu chỉ nuôi mà không kính trọng cha mẹ thì có khác gì đâu?

Alzheimer có thể làm cha mẹ quên mình, nhưng không có loại bệnh nào trên đời này cho phép mình được phép quên mất phận làm con...

Tác Giả: Nguyen Khanh