Tất tần tật về thai giáo giúp con thông minh ngay từ trong bụng mẹ.



Thai giáo là 1 khái niệm vô cùng mới hiện nay. Thường thì khi mang thai các mẹ bầu đều vô cùng chú trọng dinh dưỡng cho mẹ bầu và thai nhi: sữa bầu, tổ yến, vi cá… nhưng lại quên mất cái mà thai nhi cần không chỉ là nhiều dinh dưỡng hay dinh dưỡng đắt tiền, cái thực sự cần là 1 chế độ dinh dưỡng đa dạng hợp lý và 1 điều kiện thuận lợi cả trong và ngoài cơ thể mẹ để phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn trí não.









Một số bà mẹ vì lo cho sự an toàn của thai nhi mà kiêng cữ một cách thái quá, không dám đi lại, hạn chế cử động, điều này hoàn toàn không tốt cho đứa bé trong bụng. Khoa học đã chứng minh trong quá trình mang thai, nếu người mẹ quá lo lắng đến sự an toàn của đứa con trong bụng, ngày đêm căng thẳng, bất an, vô tình sẽ tự gây áp lực cho mình và những người chung quanh, dễ stress.





Mặt khác, một số bà mẹ ý thức về vai trò của sự vuốt ve, trìu mến dành cho đứa con trong bụng nên liên tục vuốt, xoa lên thành bụng gây kích thích tử cung dẫn đến sinh non. Có bà mẹ trẻ mong muốn chồng bày tỏ tình cảm yêu thương với con, thay vì khéo léo, tinh tế gợi ý để anh ấy cùng tham gia thì lại ép buộc, hờn dỗi, trách móc. Như vậy, người cha khi thực hành thai giáo rất khó có được tình cảm trìu mến sâu sắc dành cho đứa con.





Tôi từng nghe: mang bầu thì nên nghe nhạc thiếu nhi nhiều để em bé vui vẻ, hay cho thai nhi nghe nhạc cổ điển để mai mốt thông minh, mẹ bầu mà khóc thì sanh ra bé cũng hay khóc nhè, không nên xem phim kinh dị hay nghĩ đến cái gì ghê gớm khi mang thai… Nhưng hiểu đúng+đủ về nó thì ít có ai biết. Bài viết này sẽ cung cấp các kiến thức thai giáo 1 cách cơ bản và dễ hiểu, đồng thời cũng sẽ giới thiệu 1 số cuốn sách về thai giáo hay và đúng khoa học mà bản thân tôi đã đọc. Chúc các bậc cha mẹ thực hành đúng để tự tin trong quá trình nuôi dạy những con rồng con phụng của mình!





Thai giáo là gì? Thai giáo là quá trình giáo dục với các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ lúc mang thai, điều chỉnh hoàn cảnh trong và ngoài cơ thể mẹ, tránh những kích thích, ảnh hưởng không tốt; mang đến cho thai nhi những ảnh hưởng có lợi, thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của thai nhi, có lợi cho sự tăng trưởng khỏe mạnh về sau, để thai nhi có được sự phát triển toàn diện và đầy đủ. Thai giáo là điểm kết hợp hài hòa của ba yếu tố sinh tốt, chăm sóc tốt và giáo dục tốt.
Nhiều người lầm tưởng tưởng thai giáo chỉ với mục đích giúp trẻ thông minh hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng điều đó chưa đủ toàn diện để bao quát hết về thai giáo. Đối với một đứa trẻ, thai giáo còn có thể mang lại cho trẻ nhiều điều hơn thế nếu người mẹ có tinh thần lạc quan, vui tươi.









Theo đó, thai giáo có thể dạy cho trẻ hình thành đồng hồ sinh học để làm quen với nhịp thức ngủ, ăn uống; giúp trẻ khỏe mạnh, hoạt bát trong các hoạt động vui chơi về sau; tăng khả năng giao tiếp và hoạt ngôn. Chính nhờ những điều kiện này mà trẻ mới có đủ điều kiện để phát triển trí thông minh. Như vậy việc hiểu đúng về thai giáo có lợi rất nhiều cho cả mẹ và thai nhi.
Các phương pháp thai giáo 
Dựa trên sự phát triển năng lực các giác quan, các chuyên gia đã đưa ra những phương pháp thai giáo ứng với 5 giác quan của con người bao gồm: thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác và vị giác. Các phương pháp từ thai giáo trực tiếp tới thai giáo gián tiếp theo từng giai đoạn hình thành và phát triển của thai nhi.
1. Thai giáo gián tiếp: Trong quá trình mang thai, cha mẹ tạo ra cho thai nhi những ảnh hưởng tốt đối với sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi, đồng thời tránh những ảnh hưởng xấu, làm cho cả cha mẹ và thai nhi đều được hưởng một cuộc sống dinh dưỡng và tinh thần phong phú, đầy đủ, kích thích sự phát triển khỏe mạnh về thể chất cũng như tinh thần của bào thai.
2. Thai giáo về mặt dinh dưỡng: Cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cả hai mẹ con trong giai đoạn mang thai. Chế độ dinh dưỡng phải đầy đủ, các loại thực phẩm phong phú, ăn có quy luật và hấp thụ một lượng vừa phải. Các thai phụ không nên ăn quá no, ăn ít, chia làm nhiều bữa, ăn ít muối và các loại thực phẩm dạng lỏng, ít ăn các chất mỡ và các loại gia vị có tính chất kích thích. Nên ăn thêm tỏi và vị ngọt một cách hợp lý.
3. Thai giáo về mặt tinh thần: Trong quá trình mang thai, thai phụ cần hết sức chú ý giữ cho tinh thần của mình luôn khỏe mạnh, vui vẻ, nên nghĩ tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Tự tạo cho mình môi trường nhẹ nhàng, thoải mái, loại bỏ những lo lắng và phiền não, sinh hoạt điều độ và quy cũ. Ngoài ra thai phụ nên thưởng thức những giai điệu âm nhạc du dương, cảnh đẹp của thiên nhiên, cùng những tác phẩm nghệ thuật tao nhã, nên đọc các loại truyện đồng thoại, các bài thơ cùng những cuốn sách nói về giáo dục trẻ em… Nói tóm lại, thai phụ cần giữ cho mình cảm giác ngập tràn hạnh phúc, bởi cảm giác hạnh phúc ấy sẽ làm sản sinh ra các chất nội tiết có lợi, nhờ đó mang lại cho thai nhi nguồn dinh dưỡng tinh thần phong phú nhất.
Vai trò của người chồng: Cần đối xử với người vợ đang mang thai của mình thật thân mật, gần gũi, ấm áp và thắm thiết, luôn cố gắng để đem đến cho vợ sự vui tươi và hài hước. An ủi, quan tâm đến cuộc sống vật chất và tinh thần cho vợ. Thường xuyên đưa vợ đi dạo, nói chuyện cùng vợ, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho vợ.
Tránh những kích thích không tốt: Thai phụ cần phải kiêng rất nhiều thứ, quan trọng nhất là giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh các bệnh nguy hại, không được để bị cảm cúm hay nhiễm virus. Tuyệt đối kiêng uống rượu và hút thuốc lá, cẩn thận khi dùng thuốc, tránh các tia phóng xạ chiếu vào người (bao gồm cả việc không tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài và không xem ti vi quá gần), không nghe các tạp âm,…
4. Thai giáo trực tiếp: là việc sử dụng những thông tin bên ngoài trực tiếp tác động lên thai nhi, khiến tinh thần của thai nhi vui vẻ, hưng phấn, qua đó kích thích sự phát triển về mặt tinh thần cho thai nhi. Thai nhi chủ yếu tiếp nhận thông tin bên ngoài qua thính giác và xúc giác, vì thế thai giáo trực tiếp phần nhiều là thai giáo thông qua âm thanh và vận động.





 Thai giáo bằng thính giác





Thính giác là phần phát triển trội nhất trong 5 giác quan của thai nhi. Bộ phận tai hình thành ngay sau khi trứng thụ tinh được 6 tuần. Bào thai bắt đầu lắng nghe tích cực ở tuần 24 (tháng thứ 6 của thai kỳ). Các nhà khoa học quan sát qua siêu âm thai nhận thấy thai nhi nghe và trả lời một xung động âm thanh bắt đầu từ khoảng 16 tuần tuổi, ngay cả trước khi tai phát triển hoàn chỉnh.





Khi đã được 5 tháng, thai nhi có cơ quan thính giác tương tự như người lớn. Cùng với sự phát triển của não ( tháng thứ 4 não phát triển gần hoàn chỉnh), thai nhi có thể từng bước ghi nhớ các loại nhạc. Âm thanh được truyền sớm nhất vào não là tiếng mẹ. Nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Anh Yuhudi Menuhin tin rằng tài năng âm nhạc của ông một phần thực tế là cha mẹ ông luôn ca hát và chơi nhạc trước khi ông sinh ra. Vì lý do này, hầu hết các chương trình giáo dục thai nhi chính thức được thiết kế để bắt đầu trong tháng thứ ba.





Các bà mẹ có thể thực hiện một số bài tập sau:





Bài 1: Nghe nhạc, phát triển trí não và tâm hồn trẻ





Thích hợp với thai nhi từ tháng thứ 3.





  • Mỗi tuần nghe ít nhất 2 lần, mỗi lần khoảng 10 - 30 phút.
  • Người mẹ nằm thư giản nghe nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, du dương. Có thể là nhạc cổ điển, nhạc dân ca, nhạc không lời.
  • Hoặc dùng tai nghe lớn áp vào bụng và mở nhạc cho bé nghe nếu bạn cần tập trung làm việc hay sợ ảnh hưởng đến người khác. Nhớ lưu ý điều chỉnh cường độ âm thanh vừa đủ nghe trước khi áp vào bụng cho bé nghe.
  • Lý tưởng nhất là mẹ và bé được lắng nghe tiếng nhạc từ thiên nhiên: tiếng chim hót, lá reo, nước chảy.




Nghe nhạc trước và sau khi sinh sẽ giúp bà mẹ và em bé bớt căng thẳng, quá trình sinh nở dễ dàng, thoải mái hơn, trẻ sẽ bớt quấy khóc.
 Nếu con người nghe những âm thanh như những bản giao hưởng nổi tiếng của Beethoven, những bản sonat của Schubert, Mozart, Chopin... thì con người sẽ có những tính cách anh hùng, đại trượng phu... Còn nghe những bản nhạc thời hiện đại nghe lắm chỉ sinh ra những con người hạn hẹp đầu óc, những kẻ bần tiện tiểu nhân (Trích thai giáo - Tủ sách thực dưỡng)





Lưu ý khi cho con nghe nhạc:









- Thể loại: Cần tuyển chọn nhạc thật cẩn thận, không tùy tiện nghe bất kỳ loại nhạc nào. Loại nhạc "chát chúa" với cường độ âm thanh mạnh ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé. Hơn nữa, nghe nhạc với cường độ mạnh thường khiến tim của bé đập nhanh hơn dễ làm bé bị giật mình. Tiết tấu nên chậm, sảng khoái, tốt nhất là nhạc không lời. Một số nghiên cứu gợi ý rằng, nhạc có giai điệu du dương, nhẹ nhàng hay có tiết tấu rộn rã đều có thể giúp bé thư giản hoặc kích thích nhịp tim của bé đập nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, sự thay đổi nhịp tim ở bé có liên quan đến nhịp thở. Do đó, nếu phải nghe những bản nhạc sôi động trong thời gian dài thì có thể khiến bé mệt mỏi.





- Thời gian: Nên chọn nghe nhạc lúc thai nhi hoạt động, tức là khi thai nhi thức. Thường trước lúc đi ngủ mỗi buổi tối là thích hợp nhất.





- Vị trí, âm lượng: Người mẹ mang thai cần cách xa loa khoảng 1,5 - 2 mét, hướng âm thanh có cường độ vừa đủ nghe (khoảng 65 - 70 Đêxiben). Phụ nữ mang thai bụng to có thể tăng âm lượng lên một chút. Phụ nữ mang thai bụng hơi nhỏ thì âm lượng cũng nên giảm đi một chút. Cùng với thai nhi, người mẹ cũng nên nghe những giai điệu nhạc mình yêu thích để có tâm lý thoải mái, khoáng đạt.





- Không nên lạm dụng âm nhạc dành cho bé vì bé cần thời gian yên tĩnh để ngủ.

Bài 2: Nói chuyện, kể chuyện, hát cho thai nhi nghe





Việc thường xuyên nói chuyện, kể chuyện và hát cho thai nhi nghe có tác dụng giúp tăng tình cảm cha mẹ và con, vợ và chồng (nếu chồng bạn cùng tham gia).





  • Thai nhi cần nghe những lời nói êm dịu, yêu thương, những bài hát nhẹ nhàng trong sáng, lặp đi lặp lại, đặc biệt là những bài hát ru. Mẹ có thể đọc cho con nghe những câu chuyện có tính giáo dục cao, những gương sáng của các danh nhân, những người tài đức hay bài thơ ngắn, có âm điệu nhẹ nhàng.
  • Người cha có thể hát cho thai nhi nghe, giọng trầm của người đàn ông có sức truyền thụ đến thai nhi dễ dàng hơn. Khi cha hát, người mẹ có thể vừa vuốt ve bụng mình và hát theo nhè nhẹ. Từ tuần 32 trở đi, thai nhi có thể nhớ được bản nhạc, bài hát mà mình vẫn nghe hằng ngày và sau khi sinh sẽ nhận ra được bài hát, bản nhạc đó.
  • Gọi tên con: việc vợ chồng cùng nhau đặt tên cho thai nhi sau lần bé đạp đầu tiên vừa có ý nghĩa gắn kết vợ chồng và cũng là một nội dung của thai giáo. Bạn có thể đặt cho bé những cái tên ngộ nghĩnh dễ thương, dễ gọi như Mít, Bắp, Pi, Alpha,Bambi, Tino, Su... để nói chuyện với con. Như thế, sau khi sinh ra, bé rất dễ giao tiếp với người lớn do bé đã quen thuộc với cái tên của mình khi còn là thai nhi.




Dạy con ngôn ngữ: tiếng Việt hoặc ngoại ngữ





Thích hợp với thai nhi từ 3 - 9 tháng.





  • Từ tháng thứ 3, mỗi ngày 2 lần, bố hoặc mẹ vỗ nhẹ vào bụng bầu trong vòng 2 phút, nếu đứa trẻ quẫy đạp (nghĩa là bé trả lời) thì tiếp tục vỗ nhẹ và chờ trả lời.
  • Sau khi thai nhi đã hình thành phản xạ với tín hiệu thì bố mẹ sẽ dạy con những tiếng đầu tiên. Mỗi lần người bố nói 1 tiếng đơn giản sẽ kèm theo một động tác nào đó nhất định như ấn nhẹ, vỗ nhẹ, gõ nhẹ ngón tay vào bụng mẹ.




Tác dụng của bài tập: Đứa bé sẽ biết nói và biết cách dùng những từ phức tạp rất sớm. Những đứa trẻ này sẽ có phản xạ nhanh hơn đối với những tác động từ bên ngoài, dễ thích nghi với ngoại cảnh, chụi lắng nghe bố mẹ nói lâu hơn, ít khóc, ít hờn dỗi hơn so với những đứa trẻ khác.





Bài tập này là kết quả thí nghiệm của các nhà khoa học Mỹ với sự tham gia của 700 người sắp làm bố mẹ. Một người tên R. Danienxo tham gia cuộc thí nghiệm đã áp má vào bụng vợ và nói: "Bé ơi, bố đây", thai nhi trả lời bằng cách đạp chân. Đấy là phản xạ trước tiếng nói. Khi đứa trẻ sinh ra, người bố ngay lập tức nói chuyện với đứa trẻ nhắc lại "bé ơi, bố đây". Nghe câu nói đó, bé quay lại nhìn bố. Đứa bé phát triển nhanh chóng một cách lạ thường. Mới 4 tháng em đã gọi mẹ và bố, lên 7 tháng đã bắt đầu biết đi, lên 15 tháng đã biết nói sõi những tiếng phức tạp.





Bằng cách này có thể dạy trẻ các nội dung như:





  • Toán học: Đọc cho con nghe từ 1 - 10, từ 1 - 100, phép cộng trừ đơn giản...
  • Tiếng Anh: đọc bảng chữ cái, những từ đơn giản, những đoạn hội thoại ngắn...
  • Đạo đức: đọc những câu chuyện thiếu nhi, chuyện danh nhân, gương người tài đức...




Xúc giác có vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ. Trẻ sơ sinh rát thích tiếp xúc vào da, người lớn cũng rất thích cảm giác này. Sự tiếp xúc da thịt giữa hai người thể hiện sự tin tưởng nhau luôn là cảm giác thích thú đối với mỗi người. Những cảm giác này được hình thành từ những ảnh hưởng đầu tiền của người mẹ đối với thai nhi. Khi cảm nhận được niềm vui từ người mẹ thì thai nhi cũng cảm thấy hạnh phúc, yên tâm lớn lên trong trạng thái tâm lý tốt.





Vì vậy chúng tôi gợi ý một số bài tập tác động lên xúc giác:





Bài 1: "Trò chơi đạp bụng": Khi thai nhi được 5 tháng, có hiện tượng đạp bụng mẹ (máy) lần đầu tiên, thai phụ vỗ nhẹ hoặc xoa nhẹ vào vùng bụng bị đạp. Đợi thai nhi đạp lần tiếp theo. Thông thường sau 1 - 2 phút, thai nhi sẽ đạp tiếp. Thai phụ lại vỗ nhẹ mấy cái rồi thôi. Một lát sau thai nhi sẽ đạp, thai phụ thay đổi vị trí vỗ để dẫn dắt thai nhi vận động, thai nhi sẽ đạp ở vị trí vỗ. Trò này có thể chơi giữa mẹ và con, bố và con, anh/chị em. Số lần chơi ngày 2 lần, mỗi lần vài phút. Lưu ý động tác nhẹ nhàng, chậm. Nên thực hiện vào một thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là vào lúc gần tối, lúc này thai nhi cử động nhiều nên dễ dàng chơi cùng bé.





Sau 2 tháng chơi đùa, tạo phản xạ cho bé, thai phụ có thể tăng thêm một số nội dung như gõ nhẹ, xoa nhẹ, ấn nhẹ, lắc nhẹ,... Đồng thời với các động tác chơi đùa trên, chúng ta nên nói chuyện cùng bé. Ví dụ: "Mẹ đang vuốt ve con đó","Con ngoan, mẹ con mình cùng chơi nhé",...





Bài 2: Người mẹ mát-xa bụng nhẹ nhàng như đang giao tiếp, vuốt ve con mình. Tốt nhất người mẹ nên vừa mát-xa vừa tâm tình cùng con.





Bài 3: Người mẹ được người bố xoa lưng, mát-xa bụng cũng là cách tác động rất lớn đến tâm trạng người mẹ và làm em bé trong bụng thấy hạnh phúc, yên tâm.





Bài 4: Người mẹ đi bộ, thả lỏng cơ thể.





Bài 5: Người mẹ đung đưa người theo nhạc, di chuyển nhẹ nhàng theo nhạc.





Những bài tập tác động lên giác quan xúc giác của thai nhi, hay còn gọi là bài tập xoa bóp, đối thoại với thai nhi bằng ngôn ngữ cơ thể của bố và mẹ, sẽ giúp thai nhi có những phản ứng đáp lại, duỗi cánh tay, đạp chân, chuyển động đầu và toàn thân. Tác dụng của các bài tập này không chỉ làm cho mối quan hệ của bố mẹ, bố mẹ và thai nhi thêm thân thiết mà còn bồi dưỡng khả năng học tập của thai nhi, có lợi cho sự phát triển về tình cảm, cảm xúc, tâm hồn và trí tuệ của thai nhi. Trẻ được bố mẹ tập cho các bài tập này sẽ biết đứng và đi nhanh hơn các bé khác.





Thai giáo bằng thị giác





Thị giác của thai nhi phát triển chậm hơn các giác quan khác, vì ở trong tử cung không thích hợp cho việc mở mắt nhìn sự vật. Tuy nhiên, mắt của thai nhi không phải hoàn toàn không nhìn thấy gì. Từ 4 tháng tuổi, thai nhi đã rất mãn cảm với ánh sáng. Khi người mẹ tắm nắng, thai nhi có thể cảm nhận được sự thay đổi mạnh yếu của ánh mặt trời.





Y học hiện đại sử dụng siêu âm để quan sát và phát hiện: chiếu ánh sáng điện chớp - tắt vào vùng bụng thai phụ, nhịp tim của thai nhi có sự thay đổi mạnh. Khi đó thai nhi cảm thấy khó chịu, tỏ ra hoảng sợ không yên.





Trẻ sơ sinh mới chào đời, thị giác chưa hoàn chỉnh, tầm nhìn cũng hạn hẹp. Nhưng nếu đặt một đồ vật trước mắt trẻ, trẻ sơ sinh có thể nhìn rõ đồ vật đó. Hơn nữa trẻ sơ sinh có thể phân biệt rõ những biểu lộ tình cảm trên gương mặt của mẹ trong khoảng cách 15 - 30 cm ( tương đương với độ dài tử cung mà trẻ vừa thoát ly).





Vì vậy thai phụ cần chú ý tới những gì tác động đến thị giác của mình và bé. Tránh tiếp xúc với vùng có ánh sáng mạnh, hay có sự thay đổi ánh sáng đột ngột (ví dụ trong vũ trường). Việc giáo dục thai nhi qua thị giác chủ yếu được thực hiện gián tiếp qua thị giác của mẹ. Những gì người mẹ nhìn thấy đều tác động đến tâm trạng, ý thức của mẹ, từ đó tác động đến tâm lý thai nhi.





Các bà mẹ nên thực hành hàng ngày những bài tập sau:





Bài 1: Người mẹ nhìn những cảnh đẹp, tranh đẹp trong lòng thư thái yêu đời rất có lợi cho tâm tính của đứa con sau này.





Cảnh đẹp có lợi cho thai phụ là: cảnh rạng đông, ráng chiều, cây xanh, hoa tươi, sơn thủy hữu tình, vườn cảnh. Những khung cảnh đẹp trong các buổi trình diễn nghệ thuật như ca múa nhạc, kịch tươi vui nhẹ nhàng...





Tranh, ảnh chọn lọc (về chủ đề, màu sắc) như: tranh các em bé đẹp, tranh phong cảnh, bức ảnh của những người tôn quý (ảnh Phật, ảnh Chúa, ảnh thiên thần...) . Tránh nhìn những gì xấu xa, hung bạo, quái gở.





Bài 2: Người mẹ ngắm những đứa trẻ đáng yêu, những người mình thương mến, trân trọng, tôn kính.





Bài 3: Nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, có hoa tươi trong phòng.





Bài 4: Người mẹ trang điểm nhẹ, ăn mặc thanh lịch trang nhã để tự tin với hình ảnh của mình. Khi người mẹ soi gương cà cảm thấy hài lòng về hình ảnh bản thân sẽ liên tưởng tới hình ảnh đẹp của bé trong tương lai.





3 sai lầm thường gặp trong phương pháp thai giáo.





1.Ép mình nghe nhạc cổ điển





Đây có thể nói là sai lầm phổ biến nhất khi thực hành thai giáo của các mẹ bầu. Tuy nhiên, sai lầm này cũng xuất phát từ mong muốn con sinh ra nhanh nhẹn, thông minh. Rất nhiều chị em khi thực hành thai giáo bằng âm nhạc đã cố chọn những loại nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng khá hàn lâm, bác học mà bản thân không thấy hay, không cảm thụ được chỉ vì tin rằng như thế là tốt cho sự phát triển trí tuệ của bé.





Thực tế, bạn chỉ cần chọn loại nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm ở khoảng 60-80 nhịp/phút là hoàn toàn thích hợp cho việc thai giáo bằng âm nhạc. Do đó, bất cứ thể loại nhạc nào như nhạc trẻ, nhạc trữ tình, dân ca,… cũng có thể phát huy tác dụng xoa dịu tinh thần của mẹ và phát triển thính giác cho bé, miễn là bạn yêu thích và thoải mái khi nghe. Điều quan trọng nhất cần nhớ đó là bé chịu ảnh hưởng lớn bởi tâm trạng của mẹ nên chỉ khi bạn thấy thư thái, vui vẻ, việc nghe nhạc mới có ích cho bé.





  1. Cho bé nghe nhạc âm lượng lớn




Thêm một sai lầm phổ biến khác trong chuyện thai giáo bằng âm nhạc. Với tâm lý lo ngại bé bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi màng bụng và túi nước ối nên sẽ không nghe được rõ âm thanh, một số bà mẹ cố gắng mở nhạc thật to để con nghe cho rõ. Điều này sẽ gây khó chịu cho thai nhi, thậm chí gây hại cho thính giác của bé nếu nhạc có sóng âm cao từ 4.000 đến 5.000Hz.





Bé yêu sẽ tìm cách “phản đối” bằng các hành động đạp, máy thật mạnh. Do đó, khi cho bé nghe nhạc, mẹ chỉ nên mở loa ngoài vừa đủ nghe hoặc dùng tai nghe chuyên dụng cho bà bầu để đảm bảo an toàn cho sự phát triển thính giác của bé. Trong khi cho bé nghe nhạc, mẹ nên lắng nghe chuyển động của bé để xác định bé có đang thấy thoải mái với hoạt động này hay không.





  1. Thường xuyên xoa bụng bầu




Ở tuần thai thứ 18-20 khi bé có cử động thai máy đầu tiên là lúc ba mẹ có thể bắt đầu thực hành thai giáo bằng xúc giác cho con, cụ thể là việc vuốt ve bụng bầu. Tuy nhiên, hành động xoa, vuốt mạnh tay và thường xuyên trên thành bụng, đặc biệt là khu vực đáy tử cung, có thể kích thích các cơn co tử cung gây ra sinh non hoặc sảy thai.





Mẹ bầu lưu ý không nên dùng cả bàn tay mà chỉ dùng ngón tay vuốt nhẹ thành bụng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, một hoặc hai lần một ngày và mỗi lần không quá 10 phút. Bên cạnh đó, không nhất thiết phải xoa bụng mà động tác ôm bụng và đi lại nhẹ nhàng hoặc vừa chạm tay lên bụng vừa trò chuyện cùng con cũng là cách giao tiếp hiệu quả, thể hiện tình cảm yêu thương bạn dành cho bé.