Tất tần tật về tuyến giáp và bệnh lý tuyến giáp.



Chúng ta lấy tay sờ lên vùng cổ dưới, có chỗ lõm vào, nếu đâm thẳng chếch lên tí thì đó là vị trí “tuyến giáp”. Hình dạng tuyến giáp như một con bướm với hai cánh xòe ra ngang. Nếu ví cơ thể là một quốc gia thì tuyến giáp là Hải quan, nơi tiếp nhận và điều hành việc trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể luôn ổn định, không quá nhanh hay quá chậm. Khi nó “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì tai họa xảy ra ngay lập tức.


Cơ quan Hải quan cơ thể - tuyến giáp liên tục đào tạo, bổ sung, huấn luyện 2 lực lượng hormon chủ lực nhằm thực hiện chức năng của mình, có tên là:

T3 (triIODothyronine)
T4 (tetraIODothyronine)

Anh chị đọc nó loằng ngoằng như vậy nhưng để ý một chút sẽ thấy cả 2 đều có thấp thoáng bóng dáng thằng Iod (i-ốt) trong tên, gọi là T3 và T4 vì chúng tương ứng có 3-4 phân tử iod trong thành phần. Nhìn vào đó chúng ta có thể thấy, Iod là thành tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Ở đời ngoài tiền ra thì cái gì nhiều quá cũng không tốt, giờ hiểu vì sao thiếu hay thừa Iod là cơ thể phát bệnh chưa?

Hormone tuyến giáp điều chỉnh các chức năng cơ thể quan trọng, bao gồm: Thở, nhịp tim, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, trọng lượng cơ thể, sức mạnh cơ bắp, chu kỳ kinh nguyệt....

Cơ thể có một thằng chim lợn gọi là “vùng hạ đồi”, nó là trùm tám chuyện. Khi các hormone trong cơ thể biến động, “vùng hạ đồi” sẽ sử dụng các hormone riêng của mình liên lạc với tuyến yên (lãnh đạo tối cao), kích thích tuyến yên sản xuất các hormone phù hợp. Tại tuyến giáp, khi nồng độ hormone T3, T4 trong máu quá cao làm tăng nhịp tim và tốc độ chuyển hóa trong cơ thể, tuyến giáp sẽ gửi tín hiệu về vùng hạ đồi, vùng hạ đồi báo cho tuyến yên tác động làm tuyến giáp giảm sản xuất hormone T3, T4.

Hai bệnh lý chính thường gặp liên quan tới tuyến giáp là Cường giáp và Suy giáp, nghe “Cường-Suy” là cũng lờ mờ đoán ra bệnh này có liên quan tới mức độ hoạt động của tuyến giáp.


Suy tuyến giáp (hypothyroidism)
Một ngày không vui nào đó, bỗng dưng tuyến giáp không thể tiết đủ T4 và trớ trêu thay hệ miễn dịch cơ thể đã nhầm tưởng các tế bào tuyến giáp là những “giặc ngoại xâm” gây hại cho cơ thể. Khi đó, cơ thể sản sinh các tế bào bạch cầu phá hủy tuyến giáp, gặp là chém – không trình bày mặc dù tuyến yên tăng cường chỉ đạo nhưng bạn giáp không nghe, các lệnh “chỉ đạo” chất chồng lên nhau khiến tuyến giáp to dần, gọi là bướu giáp. Ngoài viêm tuyến giáp, chế độ ăn thiếu Iod quá cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giáp.

Biểu hiện suy giáp khởi phát với các dấu hiệu rất mơ hồ như cơ đồ chị Dậu: cơ thể thấy mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ giảm sút, táo bón, nhức mỏi bắp thịt, khan tiếng, phụ nữ thấy chảy máu ở âm đạo bất thường dù chưa đến kỳ kinh; phù nhẹ mặt và mắt, da khô, bủng. Nó kéo dài hàng tháng trời và cơ thể vần như rệu rã; ăn uống mất ngon; tóc khô và rụng nhiều; đặc biệt bệnh nhân có thể bị hôn mê đột ngột.


Cường tuyến giáp (hyperthyroidism)
Ngược lại, tự dưng một này tuyến giáp nổi điên tiết ra quá nhiều chất T4, với các dấu hiệu: bệnh nhân thấy tinh thần luôn căng thẳng, mất ngủ, tính tình thất thường, lúc nóng nảy hung đồ, khi thì thờ ơ lãnh đạm; tay chân run rẩy, chịu đựng thời tiết nóng kém, hay vã mồ hôi; ăn nhiều mà vẫn sút cân, suy nhược cơ thể, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, ở phụ nữ thấy kinh ra ít; mắt to và lồi dần; có khi bệnh nhân chỉ gặp các triệu chứng như sút cân, yếu mệt, buồn sầu; một số bệnh nhân khác lại thấy những triệu chứng về tim nổi trội như: loạn nhịp tim, suy tim...,

Lưu ý rằng dù cường hay suy thì tuyến giáp có thể TO hoặc KHÔNG TO ra.

Ngoài ra, còn có Ung thư tuyến giáp, nghe tới ung thư là té mẹ đái ra quần. Tuy nhiên, có một tin rất vui rằng Ung thư tuyến giáp là căn bệnh thường gặp và hoàn toàn có thể chữa khỏi vì đây là bệnh ung thư có tiên lượng khá tốt, người bệnh có thể phát hiện sớm bằng siêu âm tuyến giáp qua khám sức khỏe định kỳ và hình ảnh tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ các nhân tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm và điều trị kịp thời.

Giải pháp: Khám và điều trị nghiêm túc - đừng đùa với nhà chùa vì có khi phải điều trị suốt đời.

Phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn đàn ông bởi vì sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như các nhiệm vụ sinh lý của nữ giới phức tạp hơn. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “đàn bà khổ lắm”, trong suốt vòng đời của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn như dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, cho con bú và thời kỳ mãn kinh. Phái nữ còn hay sử dụng các loại hormone ngoại sinh như thuốc tránh thai, thường xuyên căng thẳng, mất ngủ, lo âu trong cuộc sống...

Những nỗi đau không gọi thành tên ấy đã âm tác động ít nhiều tới hormone tuyến giáp.

Những lời khuyên muôn thuở vẫn là sinh hoạt lành mạnh, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, tránh rượu bia... bla bla... toàn thế giới nó cũng chỉ khuyên thế thôi. Ăn thua nhất vẫn là thăm khám định kỳ. Nhiều anh chị kỳ lạ lắm, mua cái xe mới thì suốt ngày lau chùi, chạm mốc bảo dưỡng là đem ra hãng sắp hàng đúng hẹn liền nhưng lại không bao giờ nhớ lịch bảo dưỡng cơ thể của mình. Người cũng giống như máy móc, khi nó phát ra tín hiệu bất thường là khi đó hỏng nặng rồi, là tốn tiền, tốn sức nhiều hơn so với việc định kỳ khám sức khỏe để điều chỉnh ngay những nguyên nhân gây bệnh vừa phát sinh.

Cái gì cũng có thể không tốt nhưng tâm trạng không thể không tốt; cái gì cũng có thể thiếu nhưng tự tin thì không thể thiếu; cái gì cũng có thể không cần nhưng vui vẻ thì bắt buộc phải cần; cái gì cũng có thể quên nhưng việc rèn luyện sức khỏe không được phép quên.

Just because you're not sick doesn't mean you're healthy

Nguyen Khanh (Anh Ba Sai Gon)